Truyền nghề và phát triển nghề cho lao động: Đào tạo đã gắn với nhu cầu

Thứ tư, ngày 28/09/2011

Đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề là đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn ở các ngành nghề truyền thống. Lấy mục tiêu đào tạo để trang bị cho LĐ các kỹ năng, kỹ thuật phù hợp với thực tế đầu tư trang thiết bị, công nghệ của cơ sở công nghiệp nông thôn, bảo đảm LĐ sau đào tạo có tay nghề, kỹ thuật có khả năng tiếp cận ngay được trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp (DN), đồng thời giúp cho năng suất của công ty thêm ổn định và phát triển,  nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của DN trên thị trường trong và ngoài nước...  Tiết học may đầu tiên của học viên tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương

Cầm tay chỉ việc

Công ty TNHH Liên Phát đặt trụ sở tại phường An Bình, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công giày các loại để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Lực lượng LĐ của công ty hơn 1.000 người, chủ yếu là LĐ trẻ chưa có tay nghề và có trình độ văn hóa thấp đến từ các tỉnh lân cận. Do đó, muốn sử dụng được nguồn LĐ này thì công ty phải đào tạo ngắn hạn từ 15 ngày đến dưới 1 năm thì mới biết nghề và thạo nghề. Bình quân hàng năm công ty đào tạo “cầm tay chỉ việc” trên 500 LĐ, chi phí cho đào tạo là rất lớn. Do đó, đề án đào tạo nghề may da giày được triển khai tại Công ty TNHH Liên Phát là rất cần thiết. Để triển khai thực hiện đề án, ngày 31-10-2010, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh Bình Dương phối hợp với Công ty TNHH Liên Phát tổ chức khai giảng 6 lớp đào nghề may da giày cho 300 LĐ tại công ty. Sau 3 tháng học tập đã kết thúc khóa học.

Công ty Giày Nam Bình đặt trụ sở tại 20C, khu phố Nội Hóa, phường Bình An, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương có hơn 300 LĐ, chủ yếu là LĐ trẻ chưa có tay nghề hoặc có tay nghề nhưng yếu, đến từ các tỉnh lân cận. Để sử dụng được nguồn LĐ này thì hàng năm công ty phải đào tạo với chi phí rất lớn với thời hạn từ 60 ngày đến dưới 1 năm. Để triển khai thực hiện đề án, cuối năm 2010, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh Bình Dương phối hợp với Công ty TNHH Nam Bình tổ chức khai giảng 4 lớp đào nghề may da giày cho 200 LĐ tại công ty. Sau 3 tháng đào tạo, với những nỗ lực không ngừng của lực lượng giáo viên, học viên đào tạo tại công ty, lực lượng LĐ đã hoàn tất quá trình học tập nghề may da giày. Sau khóa đào tạo, LĐ đã có tay nghề khá ổn định, phù hợp với yêu cầu của công ty. Họ là những công nhân nòng cốt, là nguồn lực giúp tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN trên thị trường quốc tế.

Gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu LĐ

Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (dưới 1 năm) gắn với cơ sở công nghiệp nông thôn. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề trong hoạt động khuyến công ở Bình Dương đã tập trung đào tạo nghề cho LĐ thuộc các nghề: mây tre đan, chạm gỗ và điêu khắc gỗ, may mặc, sản xuất sản phẩm từ sợi nhựa, kỹ thuật hàn khung sắt định hình, lái xe nâng hàng... cho các huyện Tân Uyên, Phú Giáo và TX.Thuận An nhằm bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cho các cơ sở, DN thuộc các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tổng số LĐ được đào tạo giai đoạn 2005-2009 là 1.972 người, cụ thể: Nghề mây tre đan đào tạo 450 người, nghề chạm gỗ và điêu khắc gỗ 100 người, nghề sản xuất sản phẩm từ sợi nhựa 300 người, kỹ thuật hàn khung sắt định hình 100 người, lái xe nâng hàng 22 người, nâng cao kỹ năng công nhân may 1.000 người. Tổng kinh phí đào tạo hơn 1,34 tỷ đồng, trong đó: kinh phí từ khuyến công địa phương là 170,916 triệu đồng, kinh phí từ khuyến công quốc gia là 1,17 tỷ đồng. Ngoài ra kinh phí đóng góp của các cơ sở công nghiệp nông thôn là 3,54 tỷ đồng. Riêng trong năm 2010, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề 20 lớp nâng cao kỹ năng công nhân may cho 1.000 lao động may đang làm việc tại các DN may mặc thuộc Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương; mở 2 lớp đào tạo nghề “Lái xe nâng hàng” cho 40 thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh, 3 lớp đào tạo nghề gỗ nội thất cho 150 LĐ tại Công ty TNHH Minh Phương và hỗ trợ 10 lớp đào tạo nghề may da giày cho 500 LĐ tại Công ty TNHH Giày Nam Bình và Công ty TNHH Liên Phát.

Theo tìm hiểu, tại 3 khóa đào tạo nghề cho công nhân may da giày tại Công ty TNHH Liên Phát, Công ty TNHH Nam Bình và Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, đối tượng được đào tạo là công nhân mới được tuyển dụng và những công nhân đang làm việc nhưng tay nghề còn yếu. Qua đào tạo, công nhân được trang bị kiến thức về kỷ luật LĐ, tác phong LĐ chuyên nghiệp trong môi trường công nghiệp; rèn luyện kỹ năng may, giảm thao tác thừa đến mức tối ưu;  kỹ năng tự rèn luyện để không ngừng nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người LĐ. Từng bước tăng năng suất LĐ và chất lượng sản phẩm; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của các DN may có quy mô vừa và nhỏ; tạo việc làm cho LĐ phổ thông từ nông thôn đến tăng thu nhập cho người LĐ khi có tay nghề; góp phần nâng cao khả năng thực hiện mục tiêu tăng chất lượng cuộc sống cho người LĐ, hạn chế đình công, lãn công ảnh hưởng không tốt đến sản xuất.

Chương trình khuyến công đào tạo nghề, truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho LĐ nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống đã và đang khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của chương trình khuyến công trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, hạn chế di dân, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương:

Cung ứng cho doanh nghiệp đội ngũ lao động chuyên nghiệp

Bình Dương hiện có hơn 500 DN hoạt động sản xuất, chế biến gỗ; chiếm 25% số lượng DN và 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Ngành gỗ của tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 120.000 LĐ trong và ngoài tỉnh. Nhưng trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có một số cơ sở dạy nghề chế biến gỗ với quy mô nhỏ không cung ứng đủ cho LĐ cho ngành. Vì vậy nhu cầu đào tạo LĐ nghề chế biến gỗ để cung ứng cho các DN một đội ngũ LĐ chuyên nghiệp, năng suất LĐ cao là nhu cầu hết sức cần thiết và cấp bách. Việc tổ chức khóa đào tạo nghề nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về ngành chế biến gỗ cho người LĐ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người LĐ; đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cho các DN chế biến gỗ và từng bước tăng năng suất LĐ và chất lượng sản phẩm.

 

Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương:

Đào tạo nghề là 1 trong 7 nội dung của hoạt động khuyến công

Để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện các chương trình của hoạt động khuyến công. Chương trình đào tạo nghề là 1 trong 7 nội dung của hoạt động khuyến công nhằm nâng cao tay nghề, tăng năng suất LĐ, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường của các DN, các cơ sở công nghiệp nông thôn. Năm 2010, trung tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kinh phí của các đề án đào tạo nghề. Một trong các đề án đó là đề án “đào tạo nghề may da giày”; tùy theo từng đề án mà cấp phê duyệt khác nhau, đề án lớn do Bộ Công Thương phê duyệt, đề án địa phương thì UBND tỉnh cho chủ trương, kinh phí do Sở Tài chính thẩm định.

 

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành:

Nhu cầu cần thiết và cấp bách

Ngành gỗ là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu lớn, phát triển nhất của Việt Nam. Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn LĐ nông thôn, phổ thông cũng như đóng góp tỷ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, từng bước đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, nhu cầu đào tạo LĐ chế biến gỗ để cung ứng cho các DN một đội ngũ LĐ chuyên nghiệp, năng suất LĐ cao là một nhu cầu hết sức cần thiết và cấp bách. Trong những tháng đầu năm, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương, tổ chức thành công lớp đào tạo nghề khóa I cho 250 học viên và các học viên này đã được giới thiệu vào làm việc tại các công ty chế biến gỗ là thành viên của hiệp hội. Với sự nhiệt tình và kinh nghiệm thực tiễn từ 10 đến 15 năm kinh nghiệm của các giảng viên viện đào tạo và nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia. Các học viên sau khi hoàn thành khóa II này sẽ không chỉ biết nghề mà trở thành một trong những công nhân xuất sắc của các công ty gỗ. Đây cũng là mục tiêu để hiệp hội phấn đấu đạt được trong các khóa đào tạo LĐ trong những năm tiếp theo.

 

VĂN SƠN