Truy tố bị can trong vụ án hình sự
(BDO) Quyết định việc truy tố là giai đoạn thứ ba của hoạt động tố tụng hình sự (TTHS), mà trong đó Viện Kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật TTHS tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và quyết định đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và trên cơ sở đó Viện Kiểm sát ra quyết định: Truy tố bị can trước tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng); trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.
Như vậy, thẩm quyền truy tố thuộc về Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện Kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố bị can. Viện Kiểm sát truy tố bị can trước tòa án bằng bản cáo trạng, bản cáo trạng phải ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của bản cáo trạng phải ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự được áp dụng.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật TTHS, Viện Kiểm sát còn có thẩm quyền trong suốt quá trình tố tụng, từ giai đoạn khởi tố, truy tố đến xét xử của tòa án với chức năng là cơ quan giám sát (thực hành quyền công tố) đối với hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra và tòa án. Trong giai đoạn điều tra, Viện Kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết và giám sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; việc áp dụng, thay đổi các biện pháp ngăn chặn... Trong giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát có các quyền, như: Chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến tòa án; trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung; giải quyết yêu cầu điều tra của tòa án; tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ vụ án; và phục hồi vụ án. Trong giai đoạn xét xử, Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa; công bố bản cáo trạng, tham gia xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa; đề nghị mức hình phạt cho bị cáo; rút quyết định truy tố và các vấn đề dân sự liên quan đến vụ án…
Trong các giai đoạn của TTHS, Viện Kiểm sát thực hiện việc giám sát khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với bị can như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt tạm giam bị can, hủy bỏ tạm giam bị can để điều tra. Tất cả các trường hợp khởi tố bị can, giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt tạm giam bị can, hủy bỏ tạm giam bị can đều phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn hoặc quyết định.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/UBND-NC ngày 18-12-2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.