Trường trung - tiểu học Pétrus Ký: Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại, hiệu quả

Thứ tư, ngày 30/06/2010

   Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2008, nhưng trường trung - tiểu học Pétrus Ký đã gây được sự chú ý trong phụ huynh và học sinh (HS) nhờ cơ sở vật chất khang trang cùng các phương pháp giáo dục hiện đại theo chuẩn quốc tế. Qua 2 năm học đầu, tính hiệu quả của ngôi trường tư thục này đã dần phát huy, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giáo dục của Bình Dương.

 

Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng hàng năm, HS tốt nghiệp thuộc tốp đầu của tỉnh

           Số HS giỏi nhận thưởng cuối năm ở trường Pétrus Ký đang tăng lênĐó là kết quả vừa được trường Pétrus Ký công bố qua 2 năm học đầu tiên (2008-2009 và 2009-2010). Cụ thể, ở bậc tiểu học, tỷ lệ HS giỏi trong năm học qua đạt từ 93-97% (tăng 23-30%), không có HS xếp loại trung bình và yếu; ở bậc trung học có 25,8% HS giỏi, 58,2% HS khá, tăng 9,4% so với năm học trước. Kết quả này giúp trường Pétrus Ký xếp vào tốp đầu các trường THPT toàn tỉnh về tỷ lệ HS khá, giỏi; số HS trung bình giảm rõ rệt hàng năm, từ 48% đầu năm học 2008-2009 nay chỉ còn 16% vào cuối năm học 2009-2010. Kết quả cuối năm học 2009-2010 là rất tốt: trong 2 năm liền, tỷ lệ HS lên lớp thẳng là 100%, tỷ lệ HS được xét công nhận tốt nghiệp THCS là 100%; tỷ lệ HS khóa đầu tiên  tốt nghiệp THPT là 95.83%.

          Đặc biệt, đối với các em học nội trú, tỷ lệ khá - giỏi cũng tăng đáng kể, HS trung bình giảm rõ rệt. Có được kết quả này là nhờ trường đầu tư thích đáng cho khối nội trú, tăng cường giáo viên chăm sóc ăn ở, giáo dục tư tưởng, hành vi, thái độ ứng xử và theo dõi chặt chẽ kết quả học tập của các em. Mỗi cuối tuần phụ huynh đến đón con em đều nhận được phiếu đánh giá về tình hình nội trú và trao đổi trực tiếp với nhóm giáo viên quản lý nội trú để nắm bắt kịp thời diễn biến của các em. Nhờ đó, phụ huynh cảm thấy yên tâm, sự phối kết hợp giữa gia đình với nhà trường cũng chặt chẽ.

   Một điểm nổi bật làm nên chất lượng ở trường Pétrus Ký là xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Bằng nhiều hình thức, nhà trường xóa dần khoảng cách giữa thầy và trò, cả hai cùng trao đổi, thảo luận và hợp tác để đi đến thống nhất về chân lý, từ đó giúp HS nhớ bài học sâu sắc hơn mà thầy cũng có điều kiện hiểu thêm HS, “học” được từ chính HS. Theo quy định vào mỗi giữa học kỳ, nhà trường tổ chức cho HS nhận xét góp ý cho các giáo viên để có cơ sở phân loại, sắp xếp việc giảng dạy khoa học, phù hợp yêu cầu thực tế hơn. Bản thân giáo viên cũng thu được những kinh nghiệm cần thiết, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy và mối quan hệ thân thiện với HS ngày càng đúng ý nghĩa và có hiệu quả hơn. 

Hướng tới môi trường giáo dục mở, hiện đại

          Theo Hiệu trưởng Đinh Quang Hảo, bên cạnh việc duy trì các hình thức đào tạo theo chuẩn quốc tế như thời gian qua, hướng tới nhà trường sẽ chú trọng một số biện pháp giáo dục hiện đại như thực hiện thí điểm từ 2-4 lớp học cho HS sử dụng laptop ngay tại lớp học để nghiên cứu nhiệm vụ học tập của HS, cả bài soạn của thầy, ứng dụng các phần mềm mới thuộc nhiều bộ môn nhằm tăng tính tự chủ, độc lập và tính tự học của HS, đồng thời hướng tới môi trường giáo dục mở, công khai. “Lâu nay, chúng ta đã quen với việc thầy giảng bài - trò ghi chép, tài liệu giống như cái gì đó “bí mật” đối với HS. Nhưng với phương pháp mới này, chúng tôi yêu cầu giáo viên tải bài giảng lên mạng nội bộ, HS sử dụng laptop tải bài giảng về nghiên cứu trước, khi vào tiết học thầy và trò chỉ trao đổi, tranh luận, cọ xát để làm sáng tỏ vấn đề. Với các phần mềm tự học ở môn Toán, Lý, Hóa cũng tương tự, giáo viên cũng chuyển giao hết cho HS và các em mới là người chủ động sử dụng phần mềm chứ không “giao khoán” hết cho thầy thực hiện như trước” - ông Hảo lý giải về cách học mới chuẩn bị áp dụng.

          Bên cạnh việc tạo điều kiện cho HS tự chủ, độc lập “tác chiến”, trường cũng duy trì các phương pháp mới đang phát huy tác dụng như dạy và học theo dự án, học tập theo nhóm… nhằm tăng sự gắn kết, rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, hợp tác, góp phần phát triển toàn diện cho HS. Ông Hảo nói thêm: “Ở trường Pétrus Ký, tất cả HS từ lớp 4 trở lên đều được hướng dẫn làm dự án, trong đó có nhiều dự án bằng tiếng Anh. Sắp tới các em sẽ được tăng cường các hình thức học tập theo nhóm, làm dự án gắn liền với cuộc sống sinh động, với sản xuất của địa phương… Bởi, chúng tôi nhận thấy, chính qua các hoạt động này, các em có sự tiến bộ rõ rệt, không chỉ thích ứng với môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện mà bản thân các em cũng trưởng thành về nhận thức, tư duy. Đây là điều rất có lợi đối với quá trình phát triển của các em về sau”.

          Thân thiện nhưng hiện đại và hiệu quả, đó là 3 yếu tố có thể nói về trường Pétrus Ký. Hai năm học chưa phải là dài, nhưng với tâm huyết đầu tư vào sự nghiệp trồng người, trường trung - tiểu học Pétrus Ký đang ngày càng trưởng thành, xứng đáng là một trường “chất lượng cao” ở Bình Dương.

Q.MINH