Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương: Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Nếu so với các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) khác trên địa bàn tỉnh thì trường TC Nông Lâm nghiệp Bình Dương là một trong những lựa chọn đầu tiên của học sinh. Lý do căn bản là những ngành đào tạo, chất lượng đào tạo của trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
(BDO)
Ông Huỳnh Kim Ngân (đứng thứ 7 từ trái qua), Hiệu trưởng nhà trường trao bằng tốt nghiệp và khen thưởng cho những HS có thành tích học tập tốt. Ảnh: H.THÁI
Ngoài duy trì những ngành đào tạo truyền thống của trường là quản lý đất đai, chăn nuôi thú y, trồng trọt - bảo vệ thực vật; nhà trường còn đào tạo những ngành xã hội đang cần như quản lý tài nguyên môi trường, hệ thống thông tin văn phòng, tin học ứng dụng, kế toán doanh nghiệp, tiếng Anh. Để học sinh khi ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc của đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường rất chú trọng đến chất lượng đào tạo, đào tạo gắn với thực hành, thực tập. Theo ông Huỳnh Kim Ngân, Hiệu trưởng nhà trường, trường phối hợp với các doanh nghiệp, công ty xây dựng chương trình thực hành, thực tập, thời lượng tiết thực hành chiếm trên 60%. Phương châm dạy thực hành của giáo viên là cầm tay chỉ việc. Hàng năm, đội ngũ giáo viên thực hành được tạo điều kiện làm việc với các doanh nghiệp, giúp người thầy nâng cao tay nghề, đáp ứng tốt việc giảng dạy thực hành tại trường.
Điểm mạnh ở trường TC Nông Lâm nghiệp Bình Dương là nhà trường thực hiện tốt liên kết đào tạo với các doanh nghiệp. Phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của trường thường xuyên liên hệ và làm việc với các công ty trong và ngoài nước để học sinh được đến các công ty thực hành, thực tập trên các máy móc của công ty. Nhờ được tiếp cận với thực tế, khi ra trường các em sẽ nhanh chóng thích ứng với công việc. Nhờ chú trọng chất lượng đào tạo, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp bình quân đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ học sinh loại khá đạt bình quân trên 20%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm đạt từ 75% trở lên. Nhà trường mạnh dạn đưa kiến thức khoa học phù hợp với chuyên ngành và thực tế sản xuất ở địa phương, bổ sung vào chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của giáo viên từng bước được cải tiến, tăng giờ thực hành, thực tập giúp học sinh chủ động tiếp thu, nắm vững tay nghề. Nhờ đó chất lượng đào tạo tay nghề học sinh được các cơ quan đơn vị, sản xuất chấp nhận, đây là yếu tố cơ bản cho sự đổi mới phát triển của nhà trường, ông Ngân đã nói như vậy.
Học sinh tốt nghiệp THCS vừa dự thi tuyển sinh vào lớp 10, đầu tháng 7 học sinh lớp 12 sẽ dự thi THPT quốc gia, chắc chắn sẽ có em đậu, em rớt và chọn học TCCN là phù hợp nhất. Tốt nghiệp TC, học sinh có nhiều cơ hội tìm việc làm ở các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh. Sau vài năm làm việc, nếu có nhu cầu học cao hơn, các em có thể trở lại trường để học liên thông lên cao đẳng, đại học. Hiện tại trường phối hợp với trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung, trường Cao đẳng Bảo Lộc đào tạo nâng cao trình độ cho học sinh đã tốt nghiệp TC.
Năm học 2015-2016, trường TC Nông Lâm nghiệp Bình Dương tuyển 540 chỉ tiêu, nhà trường thực hiện xét điểm học bạ 2 môn văn, toán đối với học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT ở tất cả các ngành và hệ đào tạo xét tuyển.
H.THÁI