Trường trung cấp Nông lâm Bình Dương: Gắn đào tạo với thực tiễn
Dạy cho sinh viên (SV) ra trường làm nghề nông, lâm nên chúng tôi “cầm tay chỉ việc” luôn. Tức thời gian thực tập chiếm rất nhiều trong thời khóa biểu học ở trường. SV kế toán học, thực hành trên máy tính; SV khoa chăn nuôi, thú y cũng phải tự biết cách lấy tinh heo, nghiên cứu giống... Đó là cách dạy của trường Trung cấp Nông lâm (TCNL) Bình Dương. Các em SV dân tộc thiểu số của tỉnh Đắc Nông trong buổi lễ tốt nghiệp
Trường TCNL Bình Dương được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng mát với nhiều cây xanh ở ấp 6, phường Định Hòa, TX.TDM. Khi chúng tôi đến nơi, một nhóm SV khoa Địa chính đang đo đạc để làm bài tập vẽ bản đồ chính ngôi trường của mình. Nhiều SV khác của khoa Nông học đang “bám” vườn rau sạch với công nghệ tưới tự động. Một nhóm đang chăm sóc dế sữa (nuôi để học và để bán tạo nguồn kinh phí). Nhóm các SV theo ngành Chăn nuôi đang say sưa nghiên cứu tinh dịch heo giống qua kính hiển vi. Các em vừa học vừa bình luận rất sôi nổi. “Ở đây, thầy giáo chỉ đóng vai trò hướng dẫn còn các em tự làm cho quen tay. Sau này ra trường ôm một mớ lý thuyết mà không... xắn tay áo, xắn ống quần lội ruộng vườn, vào chuồng trại thì coi như thua”. Cô Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó khoa Nông học cười, cho biết như thế. Ở phòng máy tính với dàn máy được trang bị hiện đại, SV khoa Kinh tế đang thao tác trên máy. Phan Thị Trúc Thùy, SV lớp kế toán năm thứ 2 nói: “Nhà em ở Tân Uyên, em được hỗ trợ ở ký túc xá của trường với mức thu phí 600.000 đồng/năm. Học phí thì 1,8 triệu đồng/năm, không cao lắm nên ba mẹ cũng... lo được. Em hy vọng học xong có việc phù hợp để làm”.
Trường TCNL Bình Dương hiện có 5 khoa: Địa chính, Kinh tế, Chăn nuôi, Nông học và Văn hóa cơ bản. Chỉ tiêu đào tạo 1.000 SV/năm. Dù học khoa nào thì SV cũng được trang bị văn hóa cơ bản, kỹ năng giao tiếp để có cách sống hài hòa, tốt đẹp với nhau trong một ngôi nhà chung là ký túc xá của trường và cùng học tập trong một ngôi trường có quy củ, nề nếp nghiêm túc. Theo các giáo viên lâu năm ở đây, nắm bắt xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương, Bình Phước... nên trường tập trung vào việc đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các ngành nghề chính như: trồng, khai thác mủ cao su; phương pháp trồng rau thủy canh, nấm, lan chiết cành... Trường đã thực hiện thành công và chuyển giao công nghệ cho nhiều địa phương, công ty về trồng rau thủy canh các loại giống như cà chua, cà chua bi, xà lách xoong, dưa lưới, dưa chuột... Kỹ thuật nuôi dế cũng được “nhân rộng” từ trường đến các hộ gia đình với mô hình chăn nuôi theo kiểu “việc nhẹ lương cao” bởi dế thịt luôn bán được giá.
Trường còn có nhiều SV là chủ trang trại tự đi học để về... làm giàu ngay trang trại của mình. Hôm chúng tôi đến trường gặp rất nhiều SV từ Đồng Nai sang học cách chăn nuôi heo từ quy trình... lấy giống đến nuôi heo thịt, heo nái. Một số SV đã tốt nghiệp từng là các “cậu ấm, cô chiêu” con nhà khá giả. Các em đến để học cách làm việc, quản lý ở công ty chăn nuôi hay trang trại của gia đình. Thế nên, có nhiều phụ huynh rất vui mừng khi con họ không còn... mải ăn chơi mà đã biết tìm một nghề chính đáng để tiếp quản công việc kinh doanh của cha mẹ.
Không phải là nghề... thời thượng nhưng những ai có nhu cầu thực sự, yêu thích thực sự những ngành học này thì trường TCNL Bình Dương sẽ là nơi học tập hiệu quả.
QUỲNH NHƯ - LÊ THANH