Trường Trung cấp nghề số 22 – Bộ Quốc phòng: Nhiều việc làm hỗ trợ con em gia đình chính sách

Thứ năm, ngày 02/01/2014

Tuy hoạt động chưa lâu nhưng trường Trung cấp Nghề số 22 - Bộ Quốc phòng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người khi có nhu cầu học nghề, tạo việc làm cho mình. Điểm đặc biệt của trường là ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp nhà trường luôn ưu tiên cho con em gia đình chính sách, gia đình khó khăn và bộ đội xuất ngũ (BĐXN)…

Lớp Điện công nghiệp khóa 8 của BĐXN ở trường Trung cấp Nghề số 22 - Bộ Quốc phòng

Trong lễ khai giảng năm học 2013-2014 được tổ chức vừa qua, 90 học viên thuộc diện chính sách xã hội của trường Trung cấp Nghề số 22 - Bộ Quốc phòng được nhận học bổng toàn khóa trị giá 21 triệu đồng. Một đối tượng khác cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm là BĐXN. BĐXN có thẻ học nghề sẽ được miễn giảm 100% học phí, chỗ ở, được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí và tiền ăn mỗi tháng. Sau ra trường còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Đại tá Hoàng Thọ Luật, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thực hiện Quyết định 121/2009/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ BĐXN học nghề và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 thực hiện quyết định này, nhà trường luôn tập trung ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên là BĐXN học nghề nhằm tạo điều kiện cho các bạn thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Mục tiêu đào tạo của nhà trường là đầu tư vào những ngành nghề mà xã hội cần như công nghệ ô tô, hàn, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại… Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường đã đầu tư nâng cấp nhiều công trình trị giá hàng chục tỷ đồng. Trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được đầu tư, đáp ứng cho việc đào tạo theo 2 cấp trình độ là trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Đội ngũ giáo viên được củng cố phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới. Để đào tạo nghề sát thực tế nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên đến các đơn vị quân đội, khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất ở các địa phương để tìm hiểu, khảo sát nhu cầu lao động, sau đó xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, tuyển sinh đào tạo nghề phù hợp.

Nhà trường còn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho các học viên sau khi ra trường. Bộ phận giải quyết việc làm của nhà trường thường xuyên liên hệ với các công ty, xí nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… để giới thiệu việc làm cho học viên. Trong năm học 2012-2013, nhà trường đã giới thiệu cho gần 500 học viên với mức lương trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng và 20 - 30% học viên tự tạo việc làm cho mình.

THU THẢO