Trường Trung cấp Bách khoa Bình Dương: Nơi nuôi dưỡng ước mơ cho công nhân lao động
Lương Thị Hồng, HS ngành sư phạm mầm non tâm sự, làm công nhân thu nhập cũng khá ổn định, nhưng đặc thù công việc suốt ngày ngồi một chỗ may mặc thì đến tuổi 35 e rằng sức khỏe khó bảo đảm. Đó là lý do em và các bạn quyết định đi học nghề, mong có được tương lai tươi sáng hơn. Trong khi đó, Lê Thị Mai Anh, công nhân đang làm việc ở một công ty tại Khu công nghiệp Sóng Thần thì chọn học ngành điều dưỡng. Em thấy bệnh viện, phòng khám ở khu vực TX.Dĩ An, TX.Thuận An mọc lên rất nhiều, nhân lực ngành y đang thiếu, em tin rằng học ngành này sẽ dễ dàng tìm việc làm hơn. Học sinh ngành y, dược trong giờ học thực hành
Trường Trung cấp Bách khoa Bình Dương đào tạo 5 ngành. Ban đầu trường chỉ mở các lớp ban ngày, nhưng trước nhu cầu học tập của công nhân nơi đây, trường mở thêm các lớp vào ngày chủ nhật và lớp đêm để tạo điều kiện cho các em có được tấm bằng trung cấp chuyên nghiệp. Tính đến đầu năm học 2013-2014, trường có gần 3.000 HS theo học, trong đó 80% là công nhân lao động. Với ước mong được thay đổi cuộc đời, dù ban ngày phải lao động vất vả ở nhà máy, xí nghiệp, nhưng ban đêm các em vẫn đến trường miệt mài đèn sách. Dù là công nhân nhưng khi lựa chọn ngành theo học, các em cũng tìm hiểu thị trường lao động và có sự cân nhắc kỹ càng trong việc chọn ngành. Trong số các ngành trường đang đào tạo, ngành thu hút HS theo học nhiều nhất là dược, kế đến là sư phạm mầm non, y sĩ, kế toán, điều dưỡng. Thầy Mai Anh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để HS không bỏ học giữa chừng, ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức một đợt khảo sát chất lượng đầu năm, phối hợp với cán bộ lớp tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh gia đình của HS. Nhà trường đã chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tốt, tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho những HS yếu kém, đồng thời tới gia đình của những em thật sự khó khăn để động viên, thăm hỏi, tặng quà, giúp các em yên tâm học tập trong năm học tiếp theo.
Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành khác về nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, khoa học sức khỏe và sư phạm, trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Đến nay, trường có 13 phòng thực hành được trang bị khá hiện đại và một vườn thuốc nam, đáp ứng cho yêu cầu dạy và học. Kết hợp học với hành, ngoài 20% thời lượng chương trình được thực hành tại trường, HS còn có 35% số tiết học được thực tập tại các bệnh viện, công ty, xí nghiệp sản xuất - chế biến dược phẩm. Về đội ngũ, ngoài số giáo viên cơ hữu, trường đã mời các giảng viên ở trường Đại học Y dược TP.HCM tham gia giảng dạy. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, chương trình đào tạo của trường được thiết kế, xây dựng bám sát nhu cầu xã hội, theo hướng lấy người học làm trung tâm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của sở, nhà trường đã nhanh chóng đổi mới nội dung trong chương trình đào tạo, xây dựng lại, điều chỉnh chương trình đào tạo theo đúng danh mục mã ngành mà bộ ban hành.
Để tạo điều kiện cho HS sau tốt nghiệp THCS được học nghề, từ năm học 2013- 2014 trường có mở lớp dành cho đối tượng HS lớp 9. Từ đây đã mở ra cơ hội học tập cho mọi người để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay.
H.THÁI