Trường tiểu học chuyên biệt Trí Tâm: Địa chỉ của học sinh chậm phát triển
Cô cháu cùng chơi trò vận động
Thành lập từ đầu năm học 2009-2010, trường tiểu học chuyên biệt Trí Tâm, nằm trong Khu dân cư Hiệp Thành I (TX.TDM) là ngôi trường tư thục đầu tiên của tỉnh nuôi dạy trẻ chậm phát triển. Người mạnh dạn làm việc này là ông Bồ Minh Tâm, hiện ngụ tại xã Bình Chuẩn, Thuận An.Trường tiểu học chuyên biệt Trí Tâm nhận nuôi dạy trẻ chậm phát triển theo hình thức bán trú; thực hiện giáo dục sớm cho trẻ khuyết tật từ 4 đến 12 tuổi. Trường cũng hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho những học sinh đang theo học ở các trường mầm non, tiểu học. Đối tượng là trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ khó khăn về ngôn ngữ và trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ đang học hòa nhập.Khi mở trường tư thục, ngoài việc chia sẻ sự quá tải với trường công, lợi nhuận cũng là yếu tố các chủ trường quan tâm, ít nhất là để nuôi sống được ngôi trường. Thế nhưng, với loại hình trường chuyên biệt, số học sinh không nhiều thì việc đầu tư vào mô hình này là sự mạo hiểm. Tâm sự với chúng tôi, ông Tâm, người khai sáng trường cho biết, sở dĩ ông thành lập trường chuyên biệt là xuất phát từ người con. Con ông không bị khuyết tật gì cả, chỉ có mỗi tội cận thị. Khi cháu còn học ở phổ thông, do cận thị nên được cô giáo xếp ngồi trên, nhưng nào có yên, vì phụ huynh hay phân bì, gây sự khó xử cho giáo viên, thế là cháu cứ hết đưa lên trên rồi lại bị đẩy xuống. Từ đó ông liên tưởng, liệu với những em bị khuyết tật thì có được xã hội quan tâm hay không, hay sẽ bị mọi người “kỳ thị”? Từ đó, ông ấp ủ trong đầu, trong tương lai sẽ mở trường dạy cho trẻ chuyên biệt. Để cha đạt được tâm nguyện, người con này của ông đã học đại học sư phạm ngành giáo dục đặc biệt. Hiện tại còn đang giảng dạy ở TP.HCM, năm học sau sẽ trở về hỗ trợ ông trong hoạt động chuyên môn.
Hiện tại trường tiểu học tư thục chuyên biệt Trí Tâm có 6 bé khuyết tật đang được nuôi dạy. Trong số đó có 3 cháu đang học hòa nhập cộng đồng, buổi còn lại các cháu học tại trường để giáo viên rèn thêm các kỹ năng. 6 cháu nhưng có đến 4 cô nên gần như 1 kèm 1 (vì buổi sáng có 4 cháu, buổi chiều thêm 2 cháu). Tùy theo mức độ, các cô có phương pháp giáo dục khác nhau. Cháu thì được cô dạy các trò chơi vận động, cháu chậm nói được tập nói, 2 cháu khác khá hơn được cô dạy tập viết. Khi chúng tôi đến, có bé biết nói chào cô, bé chưa nói được cũng biết gật đầu chào. Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng, đồng thời cũng là giáo viên khoe: Bé Dũng ngày mới vô chỉ ngậm cơm, vô đây các cô dạy dần dần nay cháu đã biết nhai, tự đút vô miệng; hoặc có những bé khi mới vô chỉ biết nói đơn, nay nói được một câu.
Chúng tôi hỏi cô Nga, vì sao số học sinh ít vậy? Cô cho biết, năm học đầu tiên trường thành lập nhóm lớp 6 đến 10 học sinh; từ năm 2010 trở đi trường có quy mô 20 đến 25 cháu. Do đối tượng đa dạng, mỗi trẻ có một mức độ, nhu cầu khác nhau nên không có chương trình chung bắt buộc cho tất cả học sinh, mà kế hoạch dạy luôn linh động để phù hợp với từng đối tượng. Với trẻ chậm phát triển trí tuệ nói chung, các cô sẽ kiểm tra, đánh giá khả năng và tuổi trí tuệ của trẻ theo các kỹ năng: giao tiếp xã hội, vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, nhận thức... mỗi ngày các cô tổ chức các hoạt động vui chơi nhằm phát triển các kỹ năng và phát triển các ngôn ngữ cho trẻ như dạy trẻ biết vệ sinh cá nhân, hiểu thái độ, cảm xúc của người khác, biết nhìn vào mắt người đối diện khi giao tiếp, phát âm đúng, biết cầm muỗng, gọi tên bố mẹ...
Hiện tại trường có 4 giáo viên, trong đó có 2 cô có trình độ đại học, 2 cô trình độ cao đẳng. Sau này, tùy theo số lượng cháu và nhu cầu công việc, trường sẽ tuyển thêm giáo viên vào bảo mẫu.
Là trường dạy trẻ chuyên biệt, giáo viên phải theo sát các cháu, nên số học sinh không thể nhiều như những trường học khác. Nếu nghĩ đến lợi nhuận thì khó mà đạt được. Nhưng ông Tâm, chủ đầu tư vẫn lạc quan: “Nếu nghĩ đến lợi nhuận tôi đã không làm. Tôi chỉ mong các cháu chậm phát triển tỉnh nhà đến đúng địa chỉ để được can thiệp sớm, giúp các cháu sớm hòa nhập vào cộng đồng. Đó cũng là góp phần đem lại niềm vui cho chính các cháu và gia đình khi có con em khuyết tật”.
A.SÁNG