Trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An): Mô hình thí điểm “Trường THPT chất lượng cao”

Thứ ba, ngày 20/09/2011

Năm học 2011-2012, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chọn trường THPT Trịnh Hoài Đức làm mô hình thí điểm “Trường THPT chất lượng cao”. Đây là một vinh dự lớn cho toàn trường, do đó tập thể Hội đồng Sư phạm và học sinh (HS) đều phải ra sức phấn đấu, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ dạy và học trong năm học mới.

 

Thầy trò trường THPT Trịnh Hoài Đức quyết tâm thực hiện thắng lợi mô hình thí điểm “Trường THPT chất lượng cao”

Theo đó, bắt đầu từ năm học mới này, nhà trường sẽ thực hiện việc dạy và học ngày 2 buổi. Nội dung và tài liệu giảng dạy theo phương pháp mới, theo hướng giảm lý thuyết tăng thực hành, riêng chương trình môn tiếng Anh tăng cường theo chương trình thí điểm của Bộ GD-ĐT ban hành; chương trình tự chọn các môn năng khiếu về thể dục - thể thao. Trường phấn đấu đến năm 2013 số tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT là 100% và 70% HS đỗ chính quy vào đại học, cao đẳng. Trường cũng sẽ trang bị phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin (màn hình, máy tính, projector cố định) cho tất cả 31 lớp học (mỗi lớp chỉ có 35 - 40 HS), 1 phòng họp trực tuyến để phục vụ Hội giảng qua mạng, 1 thư viện điện tử và mở rộng phòng đọc sách (thư viện) có trang bị máy tính nối mạng. Song song đó, Ban Giám hiệu trường còn chú trọng tăng cường vai trò Tổ chuyên môn trong việc quản lý giáo viên, xây dựng khung phân phối chương trình theo Chương trình giảm tải của GD-ĐT áp dụng cho từng bộ môn; biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS, xây dựng chương trình ngân hàng đề kiểm tra 1 tiết ở tất cả các bộ môn...

Các giáo viên (GV) bộ môn cốt cán của trường, cũng đã được tham quan mô hình trường chuẩn quốc gia “chất lượng cao” của trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai, để học tập kinh nghiệm trong công tác giảng dạy cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm của trường. 

Th.S Bùi Thị Triệu Phúc, Tổ trưởng Tổ bộ môn tiếng Anh cho biết: “Việc dạy và học ngày 2 buổi sẽ giúp cho giáo viên có thể mở rộng kiến thức bài giảng để phát huy toàn diện năng lực tiếp thu và hiểu biết của HS, làm cho các tiết học thêm thu hút. Đối với bộ môn tiếng Anh, các em HS sẽ có thêm thời gian để rèn luyện các kỹ năng thông qua chia nhóm, thực hành theo cặp, tiếp xúc với người bản xứ qua website tự học trên mạng, tham gia một số trò chơi, xem phim hoạt hình, hát bài hát tiếng Anh... có tác dụng vừa chơi vừa học rất bổ ích”. Tổ trưởng Tổ bộ môn văn học Nguyễn Anh Tề nhận xét: “Tôi cho rằng không có HS yếu, chỉ có GV chưa tận tâm, tận lực. Vì thế, với hướng dạy và học mới, tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều chuyển biến trong công tác dạy và học ở trường”. GV Nguyễn Thị Lệ thì cho rằng, muốn xây dựng tốt mô hình “Trường THPT chất lượng cao” cần phải dạy học theo hướng tư duy sáng tạo cho HS. Dạy HS cách học tập chủ động, khơi gợi sự hứng thú, chống lối học vẹt. GV phải hướng dẫn HS tự khám phá và phát huy năng lực bản thân.

Trong năm học 2010-2011 vừa qua, Trường THPT Trịnh Hoài Đức với tổng số lớp học là 31 và tổng số HS là 1.180, trong HS loại khá - giỏi tăng 3,92%. 10 HS đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh các môn lý, toán, văn, địa, sử và 1 HS đoạt 4 giải thi môn toán trên máy tính cầm tay, đoạt giải II môn toán giải “Lương Thế Vinh” toàn đoàn; đoạt giải 3 toàn đoàn về thi hùng biện môn Tiếng Anh, đoạt giải khuyến khích môn văn học giải “Sao Khuê”, đoạt giải 3 toàn đoàn ở Hội thi Giai điệu Tuổi hồng và 1 tiết mục đoạt giải 3 toàn quốc. Kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn trường có 416 HS lớp 12 dự thi, kết quả HS đỗ là 389/416 đạt tỷ lệ 93,5% cao hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh gần 3% (90,7%), trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT trường có 5 môn (vật lý, địa lý, sinh vật, toán, tiếng Anh) có tỷ lệ trung bình môn cao hơn tỷ lệ của toàn tỉnh. Tỷ lệ HS đỗ đại học, cao đẳng xấp xỉ 70% (10 HS đỗ vào 2 trường đại học trở lên). Trường THPT Trịnh Hoài Đức đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015.

NGUYỄN PHÚC