Trường THPT Tây Nam: Đột phá trong phong trào thi đua hai tốt
Có một ngôi trường được ví như vùng trũng trong các mùa tuyển sinh lớp 10, nhưng kết quả tốt nghiệp những năm sau đó luôn đứng ở thứ hạng cao. Riêng trong năm học 2011-2012, 100% học sinh của trường thi đậu tốt nghiệp; 81/100 học sinh thi đại học đạt từ điểm sàn trở lên, trong đó có 64 em thi đậu nguyện vọng 1. Ngôi trường chúng tôi muốn nhắc đến là trường THPT Tây Nam (Bến Cát). Những HS đạt thành tích cao trong học tập được tuyên dương, khen thưởng nhân dịp khai giảng năm học 2012-2013
Đổi mới mang tính đột phá
Chất lượng giáo dục ở ngôi trường này có những chuyển biến tích cực như đã nêu trên, trước tiên là do Ban giám hiệu nhà trường đã có sự đổi mới trong công tác quản lý, lãnh đạo. Muốn cải thiện chất lượng, Ban giám hiệu nhà trường đã sắp xếp lại đội ngũ, phân công giáo viên (GV) theo năng lực chuyên môn. Điểm nhấn là trường đã mạnh dạn thay thế những GV dạy nhiều năm không đạt hiệu quả bằng những GV trẻ; thỉnh giảng GV môn sinh học, vật lý giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp THPT. Kết quả thi tốt nghiệp ở những bộ môn này hàng năm đạt trên tỷ lệ chung của tỉnh. Một sự thay đổi ấn tượng khác là trường bố trí thay thế các tổ trưởng chuyên môn là những GV trẻ, có năng lực. Ông Trương Minh Giảng, Hiệu trưởng nhà trường còn cho biết thêm: “Trong công tác dạy và học, chúng tôi tập trung chỉ đạo GV phải mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh (HS). Ngoài ra, nhà trường còn đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Các giờ kiểm tra một tiết ở những môn thường xuyên thi tốt nghiệp, từ việc ra đề, tổ chức thi, chấm thi được tổ chức giống như thi tốt nghiệp. Hình thức tổ chức kiểm tra cũng đổi mới, phối hợp kiểm tra viết với thực hành, kiểm tra tự luận với trắc nghiệm. Cách ra đề được đổi mới theo hướng người học phải hiểu bài, biết vận dụng kiến thức vào bài làm”.
Tích cực đổi mới, là cụm từ được nhà trường vận dụng thường xuyên. Còn nhớ trước mùa thi tốt nghiệp THPT, khi tìm hiểu hoạt động ôn tập ở các trường THPT, chúng tôi ấn tượng với cách thức tổ chức ôn ở ngôi trường này. Khác với những trường bạn, càng về sau nhịp độ học tập của HS trường THPT Tây Nam giảm dần. Hiệu trưởng Trương Minh Giảng giải thích, do trường tập trung HS từ đầu tháng 8 nên có rộng rãi thời gian để ôn tập cho HS. GV đã ôn nhuần nhuyển cả 6 môn cho các em. Cận kề ngày thi HS đã mệt mỏi, quá tải nên đến hết ngày 22-5, HS chấm dứt hoạt động ôn tập tại trường, thời gian còn lại các em tự ôn ở nhà. Từ những cách làm mới, có tính đột phá từ Ban giám hiệu nhà trường, kết quả 100% HS thi đậu tốt nghiệp THPT.
Xây dựng nề nếp dạy và học
Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã xây dựng được nề nếp giảng dạy của GV. Trường coi trọng việc bồi dưỡng tại chỗ, khuyến khích GV tự đăng ký các môn tự học; hướng dẫn GV soạn bài và sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. GV ở ngôi trường này luôn trong tư thế đổi mới. Nhà trường đặt ra các yêu cầu đòi hỏi GV còn hạn chế về chuyên môn xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, đăng ký chỉ tiêu phấn đấu cho từng học kỳ và cả năm học. Thầy Phạm Đỗ Hải, GV dạy toán cho biết, đặc thù của trường là điểm tuyển đầu vào lớp 10 rất thấp nên ngay từ đầu năm GV phải đề ra kế hoạch trong việc giảng dạy, phụ đạo cho HS, sàng lọc HS yếu kém để có thể bám sát từng đối tượng HS, giúp các em tiến bộ. Chúng tôi còn tăng cường thực hiện phương pháp hoạt động nhóm, chia tổ thảo luận, tự nhận xét đánh giá của HS, nhằm tạo cho các em tự định hướng cho bản thân các phương pháp học tập hiệu quả; đồng thời giúp HS yếu kém có khả năng thích ứng, tự ôn bài, cùng trao đổi lẫn nhau...”.
Việc xây dựng nề nếp học tập trong HS cũng được nhà trường thực hiện song hành với nâng cao chất lượng người thầy. Với phương châm: nhà trường - gia đình - xã hội cùng quan tâm chăm lo việc học của các em, chính quyền địa phương theo dõi quản lý, giáo dục HS; GV chủ nhiệm thường xuyên liên hệ, thông báo kết quả học tập của HS, phối hợp với phụ huynh uốn nắn, giáo dục HS chưa ngoan. Đoàn thanh niên của trường cũng đã thể hiện được vai trò xung kích, gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động trong trường học. Đoàn đã tổ chức nhiều đợt thi đua giữa các lớp, qua đó các lớp phấn đấu thực hiện tốt nề nếp và học tập. Là ngôi trường ở vùng nông thôn, đường đến trường của một số HS vẫn còn khó khăn trắc trở. Với những HS có hoàn cảnh đặc biệt, HS có dấu hiệu bỏ học, nhà trường tặng quần áo, sách vở, xe đạp, cử GV chủ nhiệm, cán bộ Đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình để HS trở lại lớp.
Nhận xét về ngôi trường này, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT đã đánh giá: là trường có tỷ lệ đầu vào thấp, nhưng nhờ nhà trường biết vận dụng toàn lực, miệt mài bồi dưỡng HS, đã vực dậy được chất lượng. Không chỉ đạt tỷ lệ 100% HS tốt nghiệp THPT trong năm học 2011-2012, trường THPT Tây Nam chỉ đứng sau trường THPT chuyên Hùng Vương về tỷ lệ điểm sàn đại học.
A.SÁNG