Trường THPT Tân Phước Khánh: Giữ vững chất lượng thi THPT quốc gia
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được đánh giá là mức độ đề thi khó hơn năm trước. Tuy nhiên, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được chất lượng. Trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) là một trong số những trường như vậy.
(BDO) Quyết tâm giữ vững chất lượng
Qua mỗi năm học, mỗi kỳ thi THPT quốc gia, Ban Giám hiệu trường THPT Tân Phước Khánh đều rút kinh nghiệm, bổ sung các giải pháp nhằm giúp học sinh (HS) đạt được kết quả tốt nhất ở kỳ thi. Riêng với kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có sự kết hợp kiến thức giữa chương trình lớp 12 và chương trình lớp 11. Đề thi có 80% kiến thức của chương trình lớp 12 và 20% kiến thức chương trình lớp 11, có độ phân hóa cao để phục vụ cho 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh cao đẳng, đại học. Từ sự thay đổi trên, ngay đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch tổ chức giảng dạy, ôn tập phù hợp.
Học sinh trường THPT Tân Phước Khánh tự tin, phấn khởi sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Thầy Nguyễn Hoàng Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các tổ chuyên môn lên kế hoạch giảng dạy phù hợp với đặc trưng từng bộ môn, từng tổ hợp môn, phù hợp với từng loại hình HS. Nhà trường cũng chọn cử giáo viên (GV) có nhiều kinh nghiệm để phân công giảng dạy khối lớp 12 và GV có nhiều uy tín để chủ nhiệm lớp 12. Với phương châm nhà trường và gia đình cùng chăm lo cho HS, hiệu trưởng nhà trường trực tiếp làm việc với phụ huynh HS có con em học yếu, tạo điều kiện cho những học sinh này ra lớp phụ đạo. Chính sự chuẩn bị kỹ càng của tập thể cán bộ quản lý, GV và HS, là một trong những nhân tố rất quan trọng giúp trường có thể đạt được kết quả như mong đợi.
Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng
Cùng với vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, các thầy cô ở trường THPT Tân Phước Khánh đã tận tâm, tận lực với học trò. Sau khi được Sở GD-ĐT tập huấn, trở về trường thầy cô có kế hoạch ôn tập cụ thể. Thể hiện trách nhiệm với học trò, mỗi khi lên lớp, GV có giáo án ôn tập cho từng tiết, hệ thống câu hỏi, bài tập chú ý đến nhiều đối tượng HS, đặt mục tiêu tốt nghiệp lên hàng đầu. Song song đó, GV cũng chú ý dạy nâng cao cho những em có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Sâu sát với thầy trò, ban giám hiệu thường xuyên dành thời gian kiểm tra, dự giờ thăm lớp. Do đó những vướng mắc trong quá trình ôn tập giải đáp cụ thể những thắc mắc của HS, tạo cho các em tâm lý thoải mái, yên tâm trong học tập.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, 100% HS trường THPT Tân Phước Khánh đỗ tốt nghiệp. Ngoài ra, trong năm học vừa qua nhà trường có 6 em đạt giải HS giỏi cấp tỉnh. |
Cô Nguyễn Thị Bích Nhuần, tổ trưởng tổ bộ môn sử - địa - giáo dục công dân, chia sẻ trước khi bước vào giai đoạn ôn tập, các tổ chuyên môn của trường đã họp bàn, trao đổi, thống nhất nội dung ôn tập cho từng chương, từng bài, vấn đề kết hợp kiến thức giữa chương trình lớp 12 và lớp 11 được bàn bạc, thảo luận chi tiết. Không riêng gì tổ của cô, GV các tổ khác cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phương pháp ôn tập cho HS qua việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm có được trong nhiều năm công tác.
“Dạy học là một nghệ thuật, thế nên GV của trường đã có những giải pháp cụ thể để áp dụng cho học trò của mình, như: Ôn tập kết hợp lý thuyết với thực hành, qua thực hành củng cố lý thuyết, kiểm tra đánh giá, điều chỉnh sai sót cho HS trong suốt quá trình ôn tập. Những buổi ôn tập được đầu tư kỹ càng, giáo án giảng dạy luôn được bổ sung để kiến thức được truyền đạt đến HS một cách chuẩn xác và dễ hiểu nhất. Ngoài lý thuyết cơ bản, GV chủ động nâng cao cho HS, đặc biệt là những câu hỏi khó mang tính chất nâng cao. GV cũng thường xuyên cập nhật đề thi minh họa, đề tham khảo yêu cầu HS luyện tập thêm ở nhà. Việc cho HS thực hành thường xuyên, trong khoảng thời gian cụ thể, giúp các em có sự nhuần nhuyễn và hiểu biết cặn kẽ nhất về kiến thức mà các em đang học cũng như kỹ năng giải quyết đề thi hiệu quả nhất trong khoảng thời gian quy định của đề. Giỏi lý thuyết, vững thực hành, tự tin là những yếu tố quan trọng nhất giúp các em có được một kết quả thi cao như mong đợi”, thầy Hùng chia sẻ.
Tổ chức thi thử cũng là hình thức để HS cọ xát với thực tế. Cứ sau mỗi đợt ôn tập, nhà trường tổ chức cho HS thi thử để kiểm tra toàn diện HS về nội dung kiến thức cũng như kỹ năng làm bài. Từ đó, GV nắm rõ tình hình cụ thể của từng HS lớp mình phụ trách và có những giải pháp, hướng giảng dạy giúp các em khá giỏi ngày càng giỏi hơn, những HS còn lại ngày càng tiến bộ hơn. Thông qua các kỳ thi và kiểm tra chung, năng lực của từng HS được phân định rõ ràng, giúp GV dễ dàng theo dõi tình hình của HS và có những hướng đi kịp thời để cải thiện tình hình học tập của các em.
KIM SA