Trường THPT Lê Lợi: Đồng hành cùng học sinh khơi nguồn tri thức
(BDO) Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trường THPT Lê Lợi đứng nhất tỉnh về tỷ lệ học sinh (HS) đạt điểm trên trung bình ở môn ngữ văn. Năm 2021 là lần thứ hai liên tiếp trường đạt được thành tích này. Đây là nỗ lực lớn của thầy và trò ở ngôi trường vùng Chiến khu Đ này.
Những học sinh đạt kết quả cao trong học tập ở năm học 2020-2021 được nhà trường khen thưởng
Vì học sinh
Trong 2 năm học qua, thầy trò trường THPT Lê Lợi phải học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có những giai đoạn HS phải tạm dừng đến trường. Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Tùng Oanh, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời lượng giảng dạy và ôn tập của HS nhà trường được thực hiện bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp, phần kiến thức trọng tâm ôn tập cũng có nhiều thay đổi theo hướng dẫn giảm tải của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Nhà trường xác định đây là một trong những khó khăn, thách thức trong công tác nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT.
Để giữ vững chất lượng thi, trường thực hiện nghiêm việc quản lý nề nếp giảng dạy, học tập của giáo viên và HS. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cũng chú trọng phân công giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết và trách nhiệm để giảng dạy lớp 12. Tận tâm với học trò, có nhiều giáo viên tự nguyện ôn tập, phụ đạo thêm cho các em ở những buổi trống thời khóa biểu, lúc kết thúc chương trình ôn thi ở trường cho những HS chưa đạt yêu cầu về học tập.
Trang bị kiến thức tốt nhất cho HS, nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch, tài liệu, đề cương ôn tập chi tiết, cụ thể trên cơ sở phân tích cấu trúc đề thi của một số năm trước và cấu trúc đề thi của bộ trong năm 2021. Giáo viên xây dựng chương trình học, ôn thi phù hợp đối tượng HS. Thầy cô còn hướng dẫn HS phương pháp làm bài thi; rèn kỹ năng cách làm nhanh và nhận diện dạng bài tốt. Công việc này phải luôn được rèn luyện để trở thành kỹ năng, kỹ xảo cho các em. Thầy cô giáo chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng làm văn, hành văn, dùng từ, đặt câu. Đặc biệt, trong các tiết trả bài, giáo viên hướng dẫn HS tự lập lại dàn bài cho đề bài văn nghị luận và tự sửa các lỗi trong bài viết của mình theo sự chỉ dẫn, uốn nắn của giáo viên. Sau đó thầy cô nhận xét, đánh giá, động viên các em phát huy ưu điểm và hạn chế đến mức thấp nhất nhược điểm để bài làm văn sau đạt chất lượng cao hơn.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thi
Trong quá trình ôn tập, nhà trường tổ chức cho HS thi thử theo cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT. Khi HS làm bài, giáo viên luôn lưu ý các em cần phân bố thời gian hợp lý, không được bỏ bất cứ câu hay phần nào. Thầy cô cũng nhắc các em sử dụng hiệu quả thời gian học, ôn trên lớp, cố nhớ bài thầy cô ôn tập; hỏi thầy cô ngay những gì chưa hiểu, chưa rõ, dù là nghĩa một từ, một câu. Qua những đợt thi thử, nhà trường tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc giảng dạy tiếp theo.
Riêng với HS, việc tổ chức các lần thi thử giúp các em làm quen với các dạng đề thi, làm quen với áp lực, không khí thi, nhất là xác định được năng lực của mình đã đạt được như mong muốn hay chưa. Từ kết quả thi ở các giai đoạn, nhà trường rà soát những HS có nguy cơ trượt tốt nghiệp, tìm hiểu cụ thể nguyên nhân đối với từng HS để giúp đỡ các em bằng nỗ lực thực hiện các giải pháp như tăng cường phụ đạo, cam kết quản lý tích cực từ phía gia đình.
Với những biện pháp nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT, năm học 2020-2021 trường đứng 1/28 trường THPT công lập trong tỉnh về tỷ lệ HS đạt điểm trên trung bình ở môn ngữ văn. Tính theo tổ hợp môn thi xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trường có trên 100 HS đạt từ 22 điểm đến trên 27 điểm.
“Công thức chung của trường là đi từ “cảm hóa”, chiêu mộ người học đến nâng cao chất lượng. Một khi người thầy dạy văn có được tình yêu chân thành đối với công việc dạy văn và có được những tình cảm đặc biệt dành cho lớp học trò mình, hướng dẫn các em tận tình trong cuộc hành trình chiếm lĩnh tri thức và cảm thụ văn chương thì câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục sẽ không còn là câu chuyện viễn tưởng. Nói khác đi, với giáo viên dạy văn, việc ngợi khen, nhắc nhở kịp thời là “phương kế “kích thích tinh thần học văn đối với HS”.
ÁNH SÁNG - B.T.UYÊN