Trương Thanh Tùng: Mắt mù nhưng tâm sáng

Thứ hai, ngày 21/10/2013

 Vào lớp Tùng đang học, nếu không được giáo viên giới thiệu chúng tôi không thể nhận ra Tùng, vì em đang hồn nhiên cười nói với các bạn. Biết có người tìm gặp, em đứng lên vội vàng bước ra khỏi lớp trông như người bình thường. Người ta nói, người khiếm thị có giác quan thứ 6 quả thật không sai. Mỗi sáng, khi có người đưa đến trường, em tự đi từ ngoài cổng vào lớp học và ngồi đúng vị trí. Với thầy cô, bạn bè, chỉ cần nghe tiếng là em biết được tên người đang trò chuyện với mình. Theo các thầy cô, Tùng có trí nhớ rất tốt, vậy nên em học không hề thua kém bạn bè.    Trương Thanh Tùng (bìa trái) và người bạn đồng hành Đỗ Văn Vàng

Từ lúc sinh ra, Tùng đã bị mù 2 mắt. Không bất hạnh nào bằng khi sống mà không thấy được mọi vật xung quanh, không biết mặt những người thân yêu. Nhưng với Tùng, em rất kiên cường và biết chấp nhận số phận không may đối với mình. Không để khiếm khuyết của cơ thể làm lụi tàn ước mơ, em đã sớm xa gia đình hòa nhập vào cộng đồng, cùng cắp sách đến trường như các bạn. Sau khi học hết chương trình tiểu học ở Hội Người mù tỉnh, em học hòa nhập ở trường THCS Phú Hòa (TP.TDM), sau đó là trường THPT An Mỹ. Vốn có tính mạnh mẽ, em đã học tính tự lập, tự phục vụ cho bản thân khi không có người thân bên cạnh. Nhìn em quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, không ai ngờ đó lại là một HS khiếm thị.

Với HS sáng mắt, để học tốt các em phải cố gắng nhiều, vậy mà cậu HS khiếm thị này đã làm ngạc nhiên cho biết bao thầy cô, bạn bè khi em học khá giỏi. Em tâm sự, trong hoàn cảnh như em chắc hẳn ai cũng nỗ lực học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Không nhìn thấy được như các bạn nên khi vào lớp em tập trung nghe thầy cô giảng, ghi chép cẩn thận. Giờ giải lao em tranh thủ hỏi thêm thầy cô, bạn bè những phần mình chưa theo kịp. Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, giáo viên chủ nhiệm năm học lớp 10 nhận xét, đây là một HS có ý chí vượt khó thật đáng khâm phục. Thấy em khuyết tật, thầy cô cho đề kiểm tra dễ hơn, nhưng em nhất quyết đòi thi chung đề với các bạn. Năm học 2012- 2013, điểm trung bình môn toán của em là 8,5, các môn khác đều trên 7,0. Đối với những HS khiếm thị giáo viên dạy theo phương pháp cổ truyền nhiều hơn, khi dạy thầy cô phải mô tả để các em tưởng tượng. Các tiết kiểm tra thường thực hiện bằng hình thức vấn đáp. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn phân công một HS hỗ trợ Tùng trong quá trình học tập. Được sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn, năm học 2012-2013 vừa qua Tùng xếp hạng thứ ba trong lớp. Bước sang lớp 11, chương trình khá nặng nề, nhưng Tùng cố gắng khắc phục khó khăn để vượt qua bậc học THPT, làm hành trang để bước chân vào đại học.

 A.SÁNG