Trường Sa luôn trong trái tim anh lính đảo
Cuối cùng đời trai nghiệp lính của anh lính đảo Bùi Phước Hiện, ở ấp 1, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát cũng được thỏa chí ước mơ. Gần 2 năm vững tay súng bên đảo Trường Sa Lớn, một quãng thời gian sao quá ngắn với Hiện khi trái tim anh đã dành cho Trường Sa với một tình yêu cháy bỏng.
Nghiệp lính
“Cho tôi được chết vì Trường Sa”. Câu nói của Hiện trước mặt những người thân quen, bạn bè, bà con lối xóm một lần nữa làm cha anh - ông Bùi Văn Nguyên bật khóc trước mặt bao người quây quần mừng anh trở về từ biển cả. Tôi nhận ra nước mắt vui sướng của người cha hao gầy biết bao đêm, ngày trằn trọc nhớ thương con. Giờ gia đình sum họp, trùng phùng trong niềm kiêu hãnh của ông khi người thân quen xem con mình như một người anh hùng thắng trận trở về. Yêu nghiệp lính, anh Hiện đã không ít lần làm trái tim người cha vốn đang mang chứng bệnh hiểm nghèo, đau thắt từng cơn.
Chiến sĩ Bùi Phước Hiện cùng mẹ tại Trường Sa
Ông cho biết: “Gia đình tôi có 2 con. Hiện là con trai lớn, còn đứa con gái mới học lớp 6. Tôi mang bệnh tim nay đau, mai yếu nên gia đình trông cậy hết vào Hiện. Mới hết lớp 9 nó phải nghỉ học để hái tàu môn (bẹ khoai môn) về bán nuôi gia đình, phụ mẹ nuôi cha bệnh, lo cho em ăn học. Một đồng không dám xài, gia đình nghèo thua sút bạn bè, tuổi nhỏ phải bươn chải khắp nơi kiếm tiền, vậy mà đùng một cái nó xin lên đường nhập ngũ. Bà con lối xóm bảo tôi lên UBND xã khuyên thằng con ở nhà chăm lo phụ giúp gia đình, chớ đi lính ai phụ giúp. Nhưng rồi nhìn thấy thằng con, vui sướng khi được trúng tuyển nghĩa vụ tôi không đành lòng, vả lại vào quân đội để giúp nó bước vào đời vững hơn. Tôi bệnh hoạn, nhà nghèo có gì để lại cho con, biết đâu đi lính giúp thằng con có được tương lai tốt. Thế là gia đình chấp thuận quyết định của nó”.
“Giấc mơ rồi cũng có ngày trở thành hiện thực”. Câu nói chắc nịch của một người thanh niên đầy khát vọng. Anh Hiện kể: “Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi chỉ biết đến Hoàng Sa và Trường Sa qua những chấm tròn trong sách chớ không hình dung vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi nuôi ước nguyện ngày nào đó được đặt chân đến đây. Thế rồi ngày lên đường nhập ngũ, được tin về làm lính vùng 4 Hải quân tôi mừng thầm được ra đảo. Nhưng chỉ tiêu 10 anh em trong xã chỉ có 2 người được đi làm lính đảo tôi cũng bi quan. Như một giấc mơ, đang bận rộn với mớ mùng, mền thì nhận được thông tin mình là người duy nhất trong tiểu đội được lên đường làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, thật vui sướng không gì tả được”.
Mãi mãi tình yêu Trường Sa
Ngày mới đặt chân lên đảo, lòng người lính xa nhà mấy ai không vấn vương từng kỷ niệm. Nhớ người cha ngày tháng chống chọi với bệnh hiểm nghèo, thương mẹ tảo tần nuôi cha, nuôi em ăn học. Nhưng những cơn sóng biển cứ thì thầm bên tai, những loài hoa biển như biết nói, những con người trên đảo sao mà thân thiết làm Hiện nhanh chóng quên đi nỗi buồn riêng.
Những cây hoa làm bằng vỏ sò từ biển
“Tôi nhớ hoài anh Phân đội trưởng Trần Anh Tuấn, khi tôi trở bệnh, anh chăm lo thuốc thang, nấu cháo cho tôi ăn, kể chuyện gia đình anh cho tôi nghe, rồi điện thoại về gia đình hỏi thăm sức khỏe cha mẹ tôi giúp. Tôi nhớ anh Chính trị viên Phạm Văn Trung, sinh nhật của tôi anh bí mật tặng tôi một cục xà phòng thơm là quà từ đất liền gửi ra, dù món quà nhỏ nhắn nhưng vô cùng có ý nghĩa với lính đảo. Những lần anh dỗi tôi vì dạy tôi học đàn nhưng tôi không có năng khiếu, không thể đàn theo anh, thế rồi những buổi tối văn nghệ tôi như kẻ thừa. Tôi nhớ những chiếc thuyền chiều của ngư dân nơi đất liền, họ gặp tôi, ôm tôi như tri kỷ, tôi gặp họ như gặp người thân trong gia đình… Thời gian dần trôi, mỗi lần cầm tay súng canh gác bên cột mốc biên giới quốc gia, tôi nghe nằng nặng tiếng quê hương sau lưng mình”.
Nước muối biển bốc lên từng cơn của những ngày hè rát bỏng da người không làm sờn lòng anh lính đảo, ngược lại nó là kỷ niệm khó phai mờ. Những câu chuyện về 65 người ngã xuống vì Trường Sa cứ ám ảnh trong tim người lính đảo. Những lần thấy tàu lạ chĩa súng về quê hương, khiêu chiến làm người lính ấm ức lắm, nhưng biết làm sao, đó là lệnh.
Cứ như thế, sau một tháng trở về nhà, nhưng Trường Sa như ngày hôm qua trong Hiện. Anh say mê kể chuyện về nơi ấy một cách kỳ lạ, từng cây cỏ nơi thao trường, từng con vật cưng cho đến cột mốc vĩnh cửu trường tồn, bên tiếng rì rào du dương của biển cả. “Giờ mỗi khi lên giường ngủ, tôi không sao chợp mắt khi không có tiếng thì thầm của sóng biển mênh mông, tôi không thể quên hoa bàn vuông đua nở màu tím biếc, cây cầu cảng thân thương cứ mỗi sớm ra ngắm bình minh trên biển anh à!”.
Trên chiếc bàn đá xinh xắn của ngôi nhà nhỏ ở xã Trừ Văn Thố vẫn cây hoa nhỡ có hoa màu hồng làm bằng vỏ sò, rễ cây hình trái tim, có gốc cây làm bằng viên đá nhỏ của Trường Sa, một tuyệt phẩm những ngày ở Trường Sa. “Tự tay nó làm lấy đó. Thật tôi không ngờ thằng hiền như cục bột lại có hoa tay đến thế” - ông Bùi Văn Nguyên cho biết.
Điều chúng tôi hết sức ngưỡng mộ trên vách tường, trong tủ kính đâu đâu cũng có hình ảnh của hoa bàn vuông, trái bàn vuông, một loại cây chỉ duy nhất có ở Trường Sa. Nhìn những cây bàn vuông xanh biếc màu hoa tim tím, những cánh hoa tua tủa cánh dài như loài sao biển đẹp tuyệt trần và với bàn tay khéo léo, óc lãng mạn của người lính, những bông hoa ấy bỗng trở nên có ngôn ngữ làm ngất ngây lòng người xem. “Những ngày xa nhà, tôi cũng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê nhà. Nhưng khi nhìn hoa bàn vuông, nỗi nhớ ấy nhanh chóng vơi đi. Khi mẹ tôi ra đảo thăm tôi, tôi gửi về nhà để ươm trồng nhưng không tài nào mọc lên trên vùng đất ở quê nhà”.
Giờ đây, Trường Sa sẽ xa dần trong ký ức của anh Hiện. Trước mắt anh còn rất nhiều việc phải làm như chạy chữa cho người cha bị bệnh hiểm nghèo, phụ giúp mẹ nuôi em ăn học, vừa phải gầy dựng thế trận sự nghiệp tương lai. “Ngày về Nhà nước hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, tôi sẽ xây dựng lại chuồng trại cho mẹ nuôi heo, nuôi gà, lo bữa cơm hàng ngày, tôi cố gắng học nghề sửa xe ô tô, giờ nghề này “hot” lắm, trở thành ông chủ garage sẽ giúp tôi giải quyết hết những việc khó của gia đình”- anh Hiện khẳng định.
HÒA NHÂN