Trường mầm non Hoa Cúc: Dạy theo phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”

Thứ tư, ngày 19/08/2020

(BDO) Thay vì dạy một chiều theo kiểu “cô nói, trẻ nghe”, với phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên phải tạo ra các điều kiện, cơ hội để trẻ chủ động khám phá, sáng tạo và hoạt động, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực tại trường Mầm non Hoa Cúc (xã Tân Bình).

 Các bé vui chơi trong sân trường        

 Tạo môi trường cho trẻ khám phá

Đến trường Mầm non Hoa Cúc, chúng tôi như bị cuốn hút bởi cảnh quan đầy màu sắc và đa dạng các góc sinh hoạt cho trẻ. Khuôn viên trường được bao phủ bởi hệ thống cây xanh, xung quanh trường lúc nào cũng rực rỡ hoa nở quanh năm và những cây kiểng có hình dáng ngộ nghĩnh. Giữa sân trường là góc vận động cho trẻ chơi, thi chạy xe đạp, chơi ngã tư đường phố, thảy bóng rổ, ném banh vào rổ... khi tham gia hoạt động ngoài trời hoặc chơi trò chơi dân gian. Cạnh đó là khu vườn cổ tích, các khu chơi vận động có xà đơn phát triển chiều cao.

Theo cô Trần Thị Ẩn, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Cúc, nhà trường không chỉ quy hoạch các khu ngoài sân trường mà còn tận dụng các khoảng trống của chân cầu thang, hoặc khoảng trống của hành lang làm các góc chơi, như: Góc làm đẹp, góc bé vui đọc sách, góc chơi phân vai, góc chơi bán hàng, nước giải khát… Ngoài ra, tại 2 góc sân còn có 2 nhà chòi chơi phân vai. Tại đây, các cháu rất hứng thú tập làm những công việc của mẹ, của bố, anh chị; chơi sáng tạo như tô tượng, làm tranh cát và liên kết các góc chơi với nhau trong giờ chơi tự do.

Nhằm xây dựng môi trường giáo dục hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ hứng thú, thích đến trường, chủ động tham gia các hoạt động, tại các lớp học, các góc chơi được thiết kế sinh động, đồ dùng, đồ chơi được thay đổi, bổ sung thường xuyên, trong đó có nhiều sản phẩm do cô và trò cùng làm. Riêng với trẻ lớp lá, giáo viên tạo thêm môi trường chữ viết cho trẻ đa dạng, phong phú, môi trường giáo dục sinh động, hấp dẫn trẻ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ bước vào lớp 1. Đặc biệt, trường thường xuyên tổ chức các hội thi, chương trình giao lưu, các hoạt động ngày hội, ngày lễ, tham quan, dã ngoại để trẻ có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm thực tế. Qua đó, tạo cơ hội cho gia đình và cộng đồng cùng tham gia các hoạt động của nhà trường.

Thay đổi tích cực

Cô Ẩn cho biết thêm, qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, trường đã có những thay đổi tích cực. Việc đầu tư cơ sở vật chất đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo của trường, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ. Vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, năng lực dạy học của giáo viên được nâng lên. Nhiều giáo viên đã sáng tạo, chủ động trong việc lập kế hoạch dạy học, lựa chọn chủ đề, tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động học và chơi phù hợp với đặc điểm của trẻ và thực tế ở trường, lớp.

Môi trường giáo dục có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh ý thức, thói quen giữ gìn, bảo vệ môi trường và tạo sự lan tỏa đến môi trường, gia đình, cộng đồng trẻ đang sống, đồng thời góp phần hình thành mầm mống nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa cho trẻ ngay từ tuổi mầm non. “Để chuyên đề này phát huy hiệu quả trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, gắn kết giữa giáo dục phát triển nhận thức với giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, trường sẽ duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, tăng cường cơ sở vật chất để phát triển môi trường giáo dục cho trẻhoạt động”, cô Ẩn thông tin thêm.

Với những đổi mới sáng tạo trong dạy và học, hàng năm trường đã được UBND tỉnh tặng bằng khen, là đơn vị đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, đoạt giải nhất cấp huyện về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

 MINH HIẾU