Trường Giáo dục Tháng Tám: Cuộc hội ngộ đầy xúc cảm sau 50 năm

Thứ hai, ngày 21/07/2014
Trường Giáo dục Tháng Tám, thuộc Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam trước đây, vừa tổ chức gặp mặt sau 50 năm. Cuộc hội ngộ của những học viên, cán bộ, giáo viên sau tròn nửa thế kỷ thật xúc động! Ký ức về những ngày gian khó mà anh dũng lại ùa về trong từng cán bộ, giáo viên, học viên…

Những tháng ngày gian lao mà anh dũng

Cách đây đúng 50 năm, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân vùng giải phóng và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng ở miền Nam, trường Giáo dục Tháng Tám thuộc Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Tuy chỉ hoạt động trong 2 năm, từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1965 nhưng trường Giáo dục Tháng Tám đã đào tạo được gần 300 học viên. Các học viên này sau đó đã trở thành những chiến sĩ kiên cường, những cán bộ quản lý giáo dục và một số ngành khác ở các vùng miền, địa phương, đóng góp vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự nghiệp xây dựng đất nước sau này.

   Những học viên, giảng viên, cán bộ của trường Giáo dục Tháng Tám trong ngày hội ngộ sau 50 năm đầy cảm xúc Ảnh: C.SƠN

Gặp lại nhau sau 50 năm, những học viên, cán bộ, giảng viên tuổi mười tám, đôi mươi ngày nào giờ đây đã lên chức ông, bà. Tóc đã bạc, mắt mờ nhưng những cái bắt tay, những cái ôm của họ vẫn rất chặt. Cùng hội ngộ nhau sau 50 năm giữa thành phố mang tên Bác, ai cũng bồi hồi, xúc động. Biết bao điều muốn nói, muốn kể với nhau, sau nửa thế kỷ họ mới được toại nguyện. Những câu chuyện về những giờ học, sinh hoạt, đào hào, lao động, tải lương… được các học viên ngày nào kể lại một cách sôi nổi, không dứt.

Thầy Nguyễn Xuân Đàm, một trong những giảng viên đầu tiên của trường bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, ngoài việc phụ trách công tác giáo vụ, tôi còn lãnh giảng dạy môn văn học. Các anh chị em từ các tỉnh miền Nam lần lượt kéo đến ngôi trường giữa cánh rừng già Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ngày một đông. Anh chị em phần nhiều là học sinh, sinh viên, có cả mấy giáo sư hoạt động ở các vùng tranh chấp, vùng giải phóng cần được bồi dưỡng. Đối tượng học viên rất đa dạng, trình độ không đồng đều, sách, vở thiếu thốn đã gây không ít khó khăn nhưng tất cả đều cùng chung một nỗi niềm hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ...”.

Thầy Nguyễn Trọng Xuất, giảng viên nhà trường chia sẻ: “Lúc đó cán bộ quá thiếu, tài liệu đơn giản, một cuốn sách giáo khoa được chuyển vào từ miền Bắc là cả một khối tài sản lớn với chúng tôi. Tài liệu sư phạm phải trông cậy thuần vào trí nhớ của các giảng viên khi còn làm việc ở miền Bắc…”. Dù vậy, theo thầy Xuất, nhà trường cũng đã xây dựng được bộ giáo trình khá toàn diện để đào tạo những cán bộ cốt lõi ban đầu của ngành giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng. Những thầy giáo kháng chiến đều tận tụy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cách mạng. Chính điều đó đã giúp sứ mệnh của những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục được hoàn thành.

Tự hào những giáo viên Thủ Dầu Một

Tỉnh Thủ Dầu Một trước đây cũng có 16 học viên là những cán bộ chủ chốt và giáo viên theo học tại 2 khóa học của trường Giáo dục Tháng Tám để được bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị thêm kiến thức. Ở khóa I, Tiểu ban Giáo dục Thủ Dầu Một cử 3 người đi học, đến khóa II cử thêm 13 người đi học. Nhớ về những tháng ngày dưới mái trường này, bà Nguyễn Thị Thu Vân, học viên khóa 2 của tỉnh Thủ Dầu Một chia sẻ: “Đoàn Thủ Dầu Một chỉ có mình tôi là nữ, phải đi bộ băng rừng, vượt sông qua quãng đường dài nhưng khi đến nơi anh chị em đoàn Thủ Dầu Một rất phấn khởi và chung tay cùng học viên các tỉnh đào giếng, cắt tranh, xây bếp Hoàng Cầm, cất trường lớp, nhà ở để kịp khai giảng vào tháng 8-1964. Lớp học chia làm 10 tổ, học viên các tỉnh xen kẽ nhau. Không khí học tập rất sôi nổi. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi còn tham gia tải gạo, trồng rau với tinh thần tự giác cao…”.

 Trường Giáo dục Tháng Tám cũng chính là ngôi trường mà nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, quê ở huyện Cai lậy, tỉnh Tiền Giang theo học tại khóa II. Sau khi kết thúc khóa học chị Lê Thị Thiên được phân công công tác tại Tiểu ban Giáo dục Bình Dương và đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, chị đã viết cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Cuốn nhật ký của chị đã được tìm thấy sau gần 50 năm chôn vùi dưới lòng đất ở huyện Tân Uyên, là cuốn nhật ký duy nhất của một liệt sĩ ngành giáo dục, có sức mạnh tinh thần đặc biệt, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa vào hệ thống tư liệu học tập của các nhà giáo và học sinh, sinh viên.

Từ năm 1965 đến năm 1967, vùng giải phóng của tỉnh Thủ Dầu Một được mở rộng gồm các huyện Dầu Tiếng, Nam và Bắc Bến Cát, Châu Thành… Tiếp thu những gì đã học được, các giáo viên đã về vùng giải phóng để xây dựng trường lớp, đào tạo thêm giáo viên dạy chữ cho trẻ em; đồng thời mở lớp trong chiến khu dạy học nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ. Cuối năm 1967, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, một số cán bộ ngành giáo dục chuyển sang đi bộ đội và các ban, ngành khác. Đoàn học viên khóa II của Thủ Dầu Một có 8 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Bà Nguyễn Thị Thu Vân tâm sự: “Đến bây giờ đã 50 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không quên những kỷ niệm ở một ngôi trường cách mạng. Mỗi khóa học chỉ có 8 tháng nhưng tình cảm đồng đội, tình đồng chí, tình thầy trò thân thương, yêu mến nhau như ruột thịt. Chúng tôi trưởng thành cũng chính từ ngôi trường này và những kỷ niệm ngày ấy sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời…”.

50 sau, những giáo viên, học viên của trường Giáo dục Tháng Tám ngày nào đều đã nghỉ hưu, một số đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường hoặc đã mất. Do vậy gần 300 học viên ngày đó, hiện chỉ còn 159 người có địa chỉ liên lạc rõ ràng và hôm nay họ đã hội ngộ, ôn lại những kỷ niệm một thời gian lao mà anh dũng. Biết bao tình cảm dồn nén trong suốt nửa thế kỷ đằng đẵng, niềm vui xen lẫn tự hào và cả những cảm xúc bâng khuâng, thương tiếc dành cho những người ngã xuống làm cho không khí ngày gặp mặt trở nên thiêng liêng và khó phai trong lòng mỗi người.

 CAO SƠN