Trường Đại học Quốc tế Miền Đông: Nơi khởi nguồn cho tri thức công nghiệp

Thứ năm, ngày 12/08/2010

  Một góc trường ĐHQTMĐNằm trong thành phố mới Bình Dương, trường Đại học Quốc tế Miền Đông (ĐHQTMĐ) được xem là điểm nhấn hết sức quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trường được xem là đi tiên phong trong việc gắn kết đào tạo với thực tiễn, phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.  

Quy mô lớn

Trường ĐHQTMĐ có tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng do Becamex IDC làm chủ đầu tư được khởi công vào tháng 8-2009. Tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng với quyết tâm của chủ đầu tư, tiến độ thi công khá nhanh và đến nay bóng dáng của một ngôi trường hiện đại đã hình thành. Theo Becamex IDC, trường ĐHQTMĐ sẽ đào tạo nhiều ngành nghề như điện - điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, kinh tế quản trị, môi trường, kỹ thuật chế biến, điều dưỡng y - dược và các ngành nghề khác... Mục tiêu chính của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, các tỉnh Miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trường ĐHQTMĐ được quy hoạch và xây dựng với quy mô diện tích 26,4 ha, đáp ứng cho yêu cầu đào tạo khoảng 24.000 sinh viên trong và ngoài nước đến năm 2020. Trường được thiết kế và quy hoạch bởi Công ty Tư vấn Quốc tế Surbana (Singapore) theo mô hình hiện đại, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa các phân khu chức năng, các tiện ích công cộng, đáp ứng mọi yêu cầu vận hành cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của một trường ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, đã xây dựng 10 khu nhà phục vụ công tác giảng dạy giai đoạn 1 với diện tích xây dựng là 68.592m2; trong đó có 210 phòng học được bố trí trong 8 tòa nhà và 2 tòa nhà khác được sử dụng làm việc cho bộ máy quản lý, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm khảo thí, trung tâm dữ liệu và thư viện điện tử.

Chất lượng cao

Cùng với quy hoạch bài bản, phòng thí nghiệm và trang thiết bị tại trường cũng được đầu tư đúng tầm. Muốn thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, thay đổi công nghệ sản xuất và nâng cao trình độ sản xuất, thì việc đào tạo cung cấp đón đầu đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và quản lý hiện đại là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Becamex IDC đã đầu tư trang thiết bị và các phòng thí nghiệm hiện đại, công nghệ cao từ các nước Đức, Nhật, Mỹ. Các phòng thí nghiệm này đều cao hơn một bậc về công nghệ so với các thiết bị sản xuất của các DN Việt Nam hiện sử dụng. Trong giai đoạn 1, trường trang bị các phòng thí nghiệm và thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho khoa Kỹ thuật và khoa Điều dưỡng bao gồm 12 phòng thí nghiệm công nghệ; 12 phòng thí nghiệm y cơ sở, mô hình dụng cụ thực tập thực hành, với giá trị ban đầu hơn 54 tỷ đồng như: phòng thí nghiệm cơ điện tử; phòng thí nghiệm kỹ thuật điện; phòng thí nghiệm CNC; phòng thí nghiệm vật lý đại cương; phòng thí nghiệm thủy lực + khí nén; phòng thí nghiệm điện tử viễn thông; phòng thí nghiệm PLC; phòng thí nghiệm điện tử; phòng thí nghiệm nhiệt lạnh; phòng thí nghiệm hóa - sinh; phòng thực tập hàn và cơ khí; phòng máy tính và mạng. Phần lớn các phòng thí nghiệm này được mua của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Mitsubishi (Nhật) và Festo (Đức).

 Cùng với trang thiết bị hiện đại, chương trình giảng dạy trong giai đoạn 2010-2015, trường dự kiến có các khoa Kỹ thuật; khoa Kinh tế và khoa Điều dưỡng. Theo đó chương trình đào tạo được biên soạn, xây dựng, tư vấn và phản biện bởi các giáo sư các trường ĐH uy tín trên thế giới với thiết kế linh động cho nhiều hệ đào tạo: hệ dài hạn chính quy; đào tạo lại; đào tạo ngắn hạn và đào tạo theo yêu cầu của DN. Cụ thể với khoa kỹ thuật, chương trình giảng dạy đã được các giáo sư, tiến sĩ tại các trường ĐH hàng đầu Việt Nam xây dựng phù hợp với các phòng thí nghiệm hiện đại, dựa theo chương trình tiên tiến của các ĐH Hoa Kỳ và được sự hợp tác giúp đỡ trực tiếp từ Portland State University - USA. Về chương trình giảng dạy của khoa Kinh tế, đã ký hợp đồng với các giáo sư, tiến sĩ từ các ĐH nổi tiếng tại Anh Quốc (như Cass Business School, London, UK) biên soạn chương trình, chuyển giao, huấn luyện giảng viên, cập nhật chương trình, giáo trình hàng năm, phù hợp với các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như Association to Advanced Collegiate School of  Business (AACSB). Để chương trình đào tạo của khoa Kinh tế được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trường chủ trương xây dựng Trung tâm Anh ngữ theo chuẩn IELTS, do 1 chuyên gia nước ngoài trực tiếp phụ trách, hướng đến xây dựng Trung tâm Khảo thí IELTS tại trường, dưới sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ hàng năm của Hội đồng Anh (British Council). Nhiệm vụ của trung tâm là trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên của trường đủ trình độ tham gia các ngành học của trường giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên các ngành khác cũng được đào tạo tại trung tâm này để bảo đảm làm việc được trong môi trường tiếng Anh ngay sau khi tốt nghiệp. Về khoa Điều dưỡng, chương trình đào tạo được Tiến sĩ Turner (Mỹ), giảng viên - chuyên gia điều dưỡng hàng đầu của Mỹ trực tiếp chỉ đạo và xây dựng chương trình. Ngoài ra, Becamex IDC cũng đã ký kết với trường ĐH Burapha (Thái Lan) về hợp tác đào tạo, giảng dạy ngành Điều dưỡng. Trong quá trình học tập của sinh viên, thời gian thực tập và thực hành chiếm từ 30-40 % tổng thời gian của toàn khóa học.

Quản lý tốt

Về đội ngũ cán bộ quản lý điều hành của trường đến nay cơ bản đã hoàn chỉnh, gồm hơn 20 cán bộ có kinh nghiệm trong quản lý các cấp của trường ĐH có trình độ từ thạc sĩ trở lên, được đào tạo chính quy trong và ngoài nước; trong đó có 1 giáo sư tiến sĩ khoa học, 2 phó giáo sư tiến sĩ, 4 tiến sĩ. Ngoài ra, trường có hợp đồng cơ hữu một số giáo sư tiến sĩ của các trường ĐH Mỹ, Anh, Canada... như Portland State University; Canada Vietnam Education Network... cùng  tham gia quản lý điều hành trường, khoa theo mô hình “hiệu trưởng danh dự”, “đồng trưởng khoa” nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý chung và quản lý công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Về đội ngũ giảng viên, đến nay trường đã có 140 giảng viên Việt Nam cam kết làm giảng viên cơ hữu và 191 giảng viên thỉnh giảng. Trong số giảng viên cơ hữu có 54 giảng viên có trình độ tiến sĩ, được đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra trường đã tuyển cơ hữu/hợp đồng thỉnh giảng nhiều giảng viên nước ngoài trình độ tiến sĩ đang giảng dạy hoặc đã nghỉ hưu tại các ĐH nổi tiếng tại các nước Mỹ, Anh, Đức, Thái Lan, Canada  tham gia giảng dạy. Cụ thể, trường đã ký hợp tác với Canada Vietnam Education Network (CVEN), một tổ chức học thuật quy tụ hơn 300 giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư là Việt kiều và  người nước ngoài đã về hưu, mong muốn tham gia đóng góp trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho trường. CVEN đã ký văn bản cam kết hỗ trợ các chuyên gia, giảng viên cho trường trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ; kinh tế - quản trị kinh doanh và khoa học sức khỏe. Bên cạnh đó, trường có kế hoạch mời các CEO, CFO, COO... từ các DN lớn cùng tham gia thiết kế chương trình và giảng dạy...

Với sự chuẩn bị chu đáo, trường ĐHQTMĐ khi hoàn thành sẽ tạo ra sự liên kết để nâng chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong quá trình thành lập, trường đã tìm hiểu hợp tác với nhiều trường ĐH, nhiều giáo sư danh tiếng thế giới để có công nghệ đào tạo chất lượng quốc tế. Đây cũng là thời cơ để con em chúng ta được hưởng một nền giáo dục tiên tiến nhất, gắn việc học với nghiên cứu khoa học để có thể chế tạo nhiều sản phẩm công nghệ mới. Theo Giáo sư, tiến sĩ khoa học Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo thì “trường ĐHQTMĐ rất thiết thực, phù hợp với định hướng xã hội hóa đầu tư trường ĐH mà Nhà nước kêu gọi trong cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực trình độ cao để đẩy nhanh phát triển kinh tế. Với hướng đi đúng, trường ĐHQTMĐ sẽ thu hút mạnh lực lượng tri thức đến làm việc và nghiên cứu khoa học, đưa khoa học công nghệ tiếp cận nhanh với thế giới để trở lại thúc đẩy công nghiệp phát triển. Đây là nét cốt lõi tạo ấn tượng đặc trưng của một trường ĐH xứng tầm trong vùng kinh tế trọng điểm”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Dự án ĐHQTMĐ: Gắn công tác đào tạo với phát triển kinh tế

Nhân sự kiện Ngày hội giới thiệu dự án ĐHQTMĐ diễn ra vào cuối tuần, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn nhanh Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Dự án ĐHQTMĐ về một số nét cơ bản của nhà trường.

- Thưa tiến sĩ, mục tiêu đầu tư xây dựng ĐHQTMĐ của Becamex IDC là gì?

- Nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp, công nghệ cao, Becamex IDC đã đầu tư xây dựng dự án trường ĐHQTMĐ theo chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển bền vững và thay đổi nâng cao về chất cho kinh tế - xã hội miền Đông Nam bộ và cho cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Ngành nghề đào tạo của ĐHQTMĐ trong những năm đầu?

- Trong những năm đầu, trường sẽ đào tạo nhiều ngành nghề. Cụ thể với khoa Kỹ thuật, năm 2010 dự kiến đào tạo 4 chuyên ngành: Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật phần mềm và Truyền thông - Mạng máy tính. Với khoa Kinh tế, năm 2011 dự kiến đào tạo ngành Quản trị - Kinh doanh; sau đó là các ngành tiếp thị (2011); Quản lý (2012); Kinh doanh quốc tế (2012); Kế toán (2013). Với khoa Điều dưỡng, dự kiến đào tạo ngành điều dưỡng từ năm 2010; tổng cộng dự kiến đào tạo 5 chuyên ngành trong niên khóa 2010-2011.

- Xin tiến sĩ cho biết về một số tiện ích mà sinh viên được thụ hưởng?

- Thuận lợi của ĐHQTMĐ là ký túc xá được xây gần trường, có thể đón nhận khoảng 6.000 sinh viên đến học ngay. Ký túc xá phí rất rẻ, vì được Becamex IDC hỗ trợ phần lớn. Có khu thể dục thể thao liên hợp cho sinh viên: bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, tennis... Có chính sách cụ thể hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp, 100% có việc làm trong các Khu công nghiệp của Becamex và Bình Dương. Có chính sách ưu đãi các sinh viên là con em trong tỉnh Bình Dương khi tuyển sinh, tuyển dụng.

- Xin cảm ơn tiến sĩ!

T. MINH (thực hiện)

TRỌNG MINH