Trường Đại học Bình Dương: Đổi mới phương pháp giảng dạy bằng phương pháp CDIO
TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Khoa học công nghệ trường Đại học Bình Dương cho biết, phương pháp giảng dạy chiếm vị trí quan trọng nhằm giúp đỡ sinh viên (SV) hoàn thiện tính chủ động, độc lập tư duy sáng tạo, thích ứng trong môi trường kinh tế mở, tri thức mở. Vì thế trường đã chú ý rất nhiều công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trường ĐH Bình Dương trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy
Trường Đại học (ĐH) Bình Dương đang xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp giáo dục ĐH bằng phương pháp tiếp cận CDIO. CDIO là chữ viết tắt của các từ: Conceive - Design - Inplement - Operate, nghĩa là: hình thành ý tưởng - thiết kế - triển khai - vận hành. CDIO là hệ thống phương pháp, quy trình đào tạo và kỹ năng giúp nâng cao chất lượng dạy và học các trường ĐH theo 12 tiêu chuẩn. Trong đó, kinh nghiệm học tập, học chủ động và nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên góp phần vào việc đánh giá hiệu quả dạy và học trong trường ĐH. Hay nói cách khác, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra. Hiện phương pháp này đã được trường ĐH quốc gia TP.HCM áp dụng cho các trường thành viên. PGS.TS. Đoàn Thị Minh Trinh, Phó trưởng ban sau ĐH ĐH Quốc gia TP.HCM, Phó ban chỉ đạo CDIO Việt Nam cho biết, tùy theo hoàn cảnh của từng đơn vị để tổ chức và triển khai CDIO cho phù hợp với từng trường. Có điểm mới là ĐH Bình Dương đã có chiến lược triển khai CDIO và kết hợp với triết lý giáo dục ĐH của nhà trường để đổi mới phương giảng dạy ĐH.Khi chọn triển khai thực hiện phương pháp CDIO, nhà trường mong muốn đổi mới phương pháp dạy học thực sự nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo. Theo TS. Cao Thị Việt Hương, Phó Hiệu trưởng, các trường ĐH Việt Nam nói chung, ĐH Bình Dương nói riêng thực hiện sứ mệnh và chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng nguồn nhân lực đã đào tạo ra. Nhà trường cụ thể hóa chương trình này thông qua triết lý giáo dục 4H: “Học - Hỏi - Hiểu - Hành”, và 4T: “Trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với thiên nhiên”.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả phương pháp CDIO, trong tháng 10, nhà trường có tổ chức buổi hội thảo, có sự tham gia và đóng góp ý kiến của đông đảo nhà khoa học của các trường ĐH cùng ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Ngân hàng... các GS. TS, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong các khoa của nhà trường đến tham dự. Mô hình CDIO dựa trên chuẩn đầu ra của mỗi ngành nghề, mỗi trường để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp. Điều này có thể khẳng định, chương trình đào tạo nhằm trang bị kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, sau khi ra trường, sinh viên ĐH Bình Dương dễ dàng thích ứng với công việc. Triết lý giáo dục của nhà trường: “Học - Hỏi - Hiểu - Hành” là cơ sở, là nội dung và là phương pháp cho đổi mới giảng dạy ĐH góp phần nâng cao chất lượng đầu ra cho SV, hoàn thiện tính chủ động, độc lập tư duy sáng tạo, thích ứng trong môi trường kinh tế mở tri thức mở cho người học.
Theo kế hoạch, sắp tới trường ĐH Bình Dương triển khai CDIO cho 2 khoa: khoa Công nghệ sinh học và khoa Điện - Điện tử. PGS.TS. Nguyễn Bội Khuê, Trưởng khoa Điện - Điện tử cho biết, chúng tôi sẽ xây dựng đề cương chi tiết cho các môn học của chương trình với chuẩn đầu ra theo CDIO. Trong quá trình đó cần phải hiệu chỉnh cấu trúc, thời lượng chương trình, chuẩn đầu ra... để hoàn thiện trước khi bắt tay vào thực hiện cuối năm sau. Trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, cần gia tăng khối lượng kiến thức thực hành cho SV liên hệ với lý thuyết và thực tế, giúp SV nắm vững và có thể ứng dụng ngay trong môi trường làm việc.
Chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện CDIO, thời gian qua trường ĐH Bình Dương đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Đặc biệt, trường đã xây dựng khu thực hành thí nghiệm, gồm 4 phòng thí nghiệm khoa Công nghệ sinh học, 4 phòng thí nghiệm khoa Điện - Điện tử và 3 phòng của khoa Kiến trúc. Dù áp dụng phương pháp này tốn kém, nhưng với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung, nhà trường sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đồng để chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác giảng dạy.
HỒNG THÁI