Trường Chính trị tỉnh Bình Dương: Tự hào và khát vọng- Bài 2

Thứ hai, ngày 23/09/2024

(BDO) Bài 2: Nâng cao chất lượng đào tạo

Với chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, đồng thời là cơ quan nghiên cứu khoa học (NCKH), tổng kết thực tiễn, phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, tham vấn xây dựng chính sách và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh, thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, NCKH, tổng kết thực tiễn…

“Năm nghiên cứu khoa học”

Theo đó, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, NCKH, tổng kết thực tiễn. Cụ thể, nhà trường tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh, các cấp ủy địa phương để chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng, NCKH gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, chương trình hành động và các đề án của Tỉnh ủy; phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cụ thể hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lễ ký kết hợp tác về đào tạo và NCKH của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương với Học viện Chính trị khu vực II và Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh

Song song đó, Trường Chính trị tỉnh đã tập trung cho công tác NCKH. Năm 2023 còn được nhà trường xác định là “Năm NCKH”. Các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm được tổ chức với mục đích tìm ra những giải pháp mới, mang tính sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, đánh giá công tác NCKH, tổng kết thực tiễn của trường trong thời gian qua đã đạt được những bước đột phá khá lớn. Tập thể cán bộ, viên chức nhà trường chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ NCKH. Trong đó, điểm nổi bật là 100% các chủ nhiệm đề tài NCKH đều được nghiệm thu từ mức đạt trở lên, góp phần thực hiện một trong những tiêu chí quan trọng, hướng đến xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. Số lượng và chất lượng các bài viết NCKH, các hội thảo, tọa đàm khoa học, các đề tài NCKH đã tăng lên.

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HIỆN CÓ 25 GIẢNG VIÊN; TRONG ĐÓ 24 GIẢNG VIÊN CÓ TRÌNH ĐỘ TỪ THẠC SĨ TRỞ LÊN (ĐẠT 96%); 17 GIẢNG VIÊN CHÍNH ĐẠT 68%; 23 GIẢNG VIÊN CÓ CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC KINH ĐIỂN MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH, ĐẠT 92%...

Hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn đã bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, hình thành nề nếp và có chuyển biến về chất lượng. Có thể khẳng định, Trường Chính trị tỉnh đã có đóng góp lớn trong việc nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ ở địa phương, cơ sở, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa công tác cán bộ và sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua.

“Học thực chất, đánh giá thực chất”

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn giữ vai trò quan trọng, là công việc gốc, hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, vì vậy Trường Chính trị tỉnh Bình Dương luôn coi trọng và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, nhà trường đặc biệt coi trọng chất lượng giảng dạy, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, hàng đầu. Chất lượng giảng dạy được đánh giá thông qua chất lượng sản phẩm đào tạo. Chất lượng đào tạo không chỉ là điểm số học viên đạt được trong khóa học, mà còn là sự vận dụng và hình thành các kỹ năng để phục vụ công tác của mỗi người ở cơ quan, đơn vị sau khi kết thúc khóa học.

Thời gian qua, công tác NCKH tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh đã đạt được những bước đột phá

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên của trường tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý luận với thực tiễn nhằm cụ thể hóa các yếu tố trừu tượng, sinh động hóa sự khô khan và thực tiễn hóa tính kinh viện trong học tập lý luận của học viên.

Giai đoạn 2022-2024, nhà trường tập trung cho NCKH, tổng kết thực tiễn. Theo đó, nhà trường đề ra mục tiêu, giai đoạn này phải có 15 đề tài khoa học cấp cơ sở; 5 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; 15 hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học cấp trường; 3 hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Kết quả NCKH, tổng kết thực tiễn của nhà trường được chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Có báo cáo kiến nghị, đề xuất Tỉnh ủy, các cơ quan Trung ương kết quả nghiên cứu đề tài, hội thảo khoa học cấp tỉnh trở lên; xuất bản 5 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo hoặc kỷ yếu hội thảo khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, NCKH, tổng kết thực tiễn (không kể tài liệu, giáo trình về đào tạo, bồi dưỡng); đồng thời xuất bản 15 kỳ bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”. Bản tin bảo đảm nội dung, đúng quy định Luật Xuất bản...

Thạc sĩ Vũ Hải Yến, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, chia sẻ: “Để bài giảng không bị khô khan, cứng nhắc thì giảng viên phải tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Ở mỗi bài giảng phải luôn có sự chuẩn bị chu đáo, sinh động, có liên hệ thực tế tại địa phương, đơn vị. Có như vậy, bài giảng mới hấp dẫn, thu hút học viên chú ý lắng nghe”.

Song song đó, nhà trường đổi mới công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và công tác nghiên cứu thực tế của học viên trên nguyên tắc “học thực chất, đánh giá thực chất”. Những kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, đồng thời đóng góp vào việc nâng cao chất lượng và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Thầy Tô Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho biết kết quả sau đào tạo cho thấy phần lớn học viên đã phát huy tốt các kiến thức và kỹ năng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ sở. Nhiều học viên sau khi ra trường đã được bố trí vào các vị trí cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể, phát huy được vai trò lãnh đạo của đơn vị. Nhiều người được bổ nhiệm vào chức vụ cao trong bộ máy các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Đây chính là minh chứng cho chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường.

Sự khát vọng, đổi mới, sáng tạo và phát triển của trường đã dần có quả ngọt, minh chứng năm 2024, nhà trường vinh dự đón nhận quyết định công nhận Trường Chính trị Bình Dương đạt chuẩn mức 1 (sớm hơn tiến độ so quy định). Đây chính là động lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường cố gắng hơn nữa để lập nhiều thành tích, phấn đấu đạt Trường Chính trị tỉnh Bình Dương chuẩn mức 2 trước năm 2030… (còn tiếp)

THU THẢO