Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo

Thứ sáu, ngày 09/12/2022

(BDO)  Là trường có quy mô lớn, đa dạng các ngành nghề đào tạo, những năm qua, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đang từng bước thay đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm để xây dựng mô hình tổng thể quản trị trên nền tảng số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

 

Sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương trong giờ thực hành

Thay đổi để thích ứng

Được định hướng là trường cao đẳng chất lượng cao nằm trong chương trình liên kết hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, với mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương hiện đang đào tạo hơn 2.000 học sinh, sinh viên (HSSV) theo học các ngành nghề gồm: Cắt gọt kim loại, hàn, công nghệô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kế toán doanh nghiệp (DN), cơ điện tử… Ngoài ra, hàng năm nhà trường còn tuyển sinh và đào tạo hệ sơ cấp, ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho hơn 2.000 học viên theo nhu cầu của các DN và người học.

Từ năm 2020 đến nay, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đã tập trung quán triệt nâng cao nhận thức về chủ trương chuyển đổi số (CĐS) đến cán bộ, giảng viên, HSSV trong nhà trường. Trước tiên, trong hoạt động đào tạo, các chương trình được nhà trường rà soát, cập nhật nội dung tích hợp năng lực số. Thầy Nguyễn Tấn Trung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, cho biết trong thời gian qua, trường đã thực hiện nhiều hoạt động CĐS như: Ứng dụng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning do VNPT Bình Dương cung cấp, nền tảng học tập công dân số (http://www.congdanso. edu.vn) do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tổ chức Di cư quốc tế IOM cung cấp thuộc dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam CĐS cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp…”.

Nhờ đó, hệ thống quản lý đào tạo của trường được thực hiện liên thông từ công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý HSSV đến công tác thu chi tài chính. Tất cả hồ sơ được lưu trữ, số hóa giúp cho công tác quản lý của nhà trường được thực hiện một cách toàn diện theo đúng quy trình và quy chế với khả năng linh hoạt cao cho cả hệ thống tín chỉ lẫn niên chế.

Thầy Nguyễn Tấn Trung cho biết thêm, học trực tuyến (E-Learning) tại trường đã mang lại nhiều ưu điểm vượt trội trong đào tạo, làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tự học do khả năng cá nhân hóa cũng như đáp ứng hiệu quả các hoạt động học tập của người học. E-Learning cùng với hình thức học liệu rất hay đó là học liệu điện tử, bao gồm: Sách điện tử - EBook; bài giảng điện tử; bộ câu hỏi ôn tập và phần kiểm tra đánh giá quá trình tự học của HSSV do chính những giáo viên trong trường xây dựng, được tích hợp trên môi trường công nghệ internet đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Đầu tư phần mềm, thiết bị và học liệu số

Ngoài ra, nằm trong lộ trình CĐS của trường, năm 2020, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đã trang bị và đưa vào hệ thống phần mềm, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo và thực hành mô phỏng cho nghề điện công nghiệp với 11 mô đun chuyên ngành như: Khí cụ điện, vẽ điện, đo lường điện, mạch điện…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh. Chính vì vậy, việc thực hiện CĐS trong nhà trường là việc làm cấp thiết nhằm thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại”.

(Thầy Nguyễn Tấn Trung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương)

“Để có cơ sở thực hiện quá trình CĐS, nhà trường chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để xây dựng, hoàn thiện các quy định trong nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu CĐS. Đồng thời, nhà trường cũng đang tiến hành nghiên cứu để ban hành các chính sách nhằm thu hút nguồn tài trợ, đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác để thực hiện CĐS; hỗ trợ CĐS cho người dạy, người học trong nhà trường. Thông qua việc khảo sát và dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhà trường cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của CĐS”, thầy Nguyễn Tấn Trung cho biết thêm.

Nhà trường cũng chú trọng phát triển, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, bảo đảm kết nối, khai thác phục vụ xử lý thông tin theo yêu cầu quản lý, quản trị. Số hóa hoạt động của nhà trường, trong đó trường chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, bảo đảm chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý HSSV, kết nối DN. Nhà trường chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS của nhà trường. Trường cũng quan tâm xây dựng hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số bảo đảm thông tin tin cậy, an toàn, phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện mã độc tấn công, bảo vệ ở mức căn bản.

 TƯỜNG VY