Trước thủ đoạn lừa đảo nhắm đến phụ huynh, học sinh: Các trường cần rà soát lại hệ thống bảo mật thông tin

Thứ sáu, ngày 07/04/2023

(BDO) Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Gần đây nhất là các vụ lừa đảo nhắm đến phụ huynh, học sinh. Tại Bình Dương, một số phụ huynh cũng đã nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền với kịch bản “con bị cấp cứu”…


Tăng cường tuyên truyền về pháp luật trong trường học là cách giúp học sinh, nhà trường chủ động trước các thông tin xấu độc, thủ đoạn lừa đảo

Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, cho biết trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo diễn ra phức tạp và nay là hướng đến phụ huynh, học sinh, Công an tỉnh đã tăng cường khuyến cáo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo đến người dân; tham mưu ban hành công văn gửi các sở, ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo về các hình thức lừa đảo.

“Công an tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh bình tĩnh, thận trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mới này. Chủ động thông tin số điện thoại đường dây nóng của trường đến phụ huynh học sinh để liên hệ khi cần thiết. Khi gặp sự việc phải bình tĩnh để ứng phó. Phải liên hệ người thân, giáo viên chủ nhiệm của học sinh, bạn bè của con cái để xác minh thông tin. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc chuyển tiền cho người lạ”, thượng tá Hồ Thọ Hải khuyến cáo.

Trong khi đó, ngày 22-3, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn về việc tăng cường cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại, sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản gửi đến các trường học về việc tăng cường cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại, sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản để nhà trường và phụ huynh học sinh có biện pháp phòng tránh. Song song đó chúng tôi còn hướng dẫn nhà trường, phụ huynh các biện pháp, cách xử lý khi nhận được những cuộc gọi lừa đảo như trên. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường rà soát lại hệ thống bảo mật thông tin, tránh tình trạng đối tượng xấu lợi dụng những lỗ hổng bảo mật để đánh cắp thông tin, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã cung cấp đường dây nóng của sở để các trường học báo về những vấn đề liên quan đến hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo…”.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học chủ động phối hợp với chính quyền, công an, các đơn vị chức năng và cha mẹ học sinh khẩn trương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng lừa đảo để nâng cao cảnh giác, phòng tránh. Khuyến cáo không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

“Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, cha mẹ học sinh cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hộp thư tố giác tội phạm” của Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Dương, địa chỉ: http://congan.binhduong.gov.vn; điện thoại: 0274.3822638 hoặc đường dây nóng 113 để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết”, ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết.

TÂM TRANG