Trước thềm kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX: Cần có thêm giải pháp di dời các điểm thu mua phế liệu

Thứ hai, ngày 08/08/2016

(BDO) Là hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho nhiều người dân, tuy nhiên, hiện nay một số điểm thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh mọc lên không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, phòng chống cháy nổ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các hộ dân xung quanh, cũng như làm mất mỹ quan đô thị, khu dân cư (KDC). Chính vì thế, việc di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi các KDC đô thị là điều mà người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An đang mong chờ.

 Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Du, phường Bình Hòa, TX.Thuận An, các cơ sở này như một bãi phế liệu nằm nhếch nhác ngay giữa KDC. Phế liệu được gom từ nhiều nguồn khác nhau, đủ các chủng loại như vỏ chai, bao bì nilon, sắt, thép, nhựa, đồ điện tử cũ hỏng..., chất đống la liệt chiếm cả lòng lề đường. Phần lớn các cơ sở này nằm xen lẫn trong KDC và không có một loại giấy tờ nào để chứng minh được cấp phép kinh doanh, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Phế liệu được chất thành đống lấn chiếm cả vỉa hè trên đường Nguyễn Du, đoạn giáp ranh phường Bình Hòa và phường An Phú, TX.Thuận An. Ảnh: T.B

Anh Nguyễn Đức Hải, người dân ở khu phố Bình Đức 3, phường Bình Hòa cho biết: “Do nhà ở cạnh cơ sở thu mua phế liệu nên gia đình tôi thường xuyên hứng chịu những đợt bốc mùi hôi thối từ cơ sở này, nhất là lúc mưa xuống, nắng lên”. Theo anh Hải, hầu như ngày nào cơ sở phế liệu cũng tiến hành cắt, xẻ xếp phế liệu (chủ yếu là sắt, đồ nhựa) gây ầm ĩ cả khu phố. Còn bà Hồ Thị Mai, người cùng khu phố bày tỏ lo lắng: “Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ tại điểm thu mua phế liệu trong KDC, hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì vậy bà con trong hẻm rất lo nguy cơ cháy xảy ra tại điểm thu mua phế liệu. Cuộc họp tổ dân phố nào chúng tôi cũng nêu ý kiến về việc này, vậy nhưng điểm thu mua phế liệu vẫn còn tồn tại.”.

Còn dọc các tuyến đường Trần Quang Diệu, đoạn gần ngã tư 550 và đường ĐT740, TX.Dĩ An, có hàng chục cơ sở thu gom phế liệu đang hoạt động chỉ cách nhà nhiều người dân một bức tường. Tại các cơ sở này, các loại phế liệu không còn giá trị được chủ cơ sở này gom lại thành những đống to đùng, đa phần là rác thải công nghiệp như vải vụn, bóng đèn, mút xốp, da... Diện tích các điểm thu mua phế liệu này đều nhỏ hẹp nhưng chứa toàn những vật dễ cháy nổ, đồng thời tiếng ồn từ máy tán vỏ lon (bia, nước ngọt), mùi hôi và bụi bặm từ đủ thứ phế liệu cũ... đang là vấn nạn mà người dân trong khu vực này phải chung sống, chịu đựng nhiều năm qua.

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa, TX.Thuận An cho biết: “Tôi sống ở đây đã nhiều năm và cảm thấy đau đầu vì âm thanh khó chịu mỗi khi máy tán vỏ lon của các cơ sở này hoạt động. Ở trong nhà mình nghe đã nhức đầu. Đến gần các cơ sở kinh doanh phế liệu đó càng không chịu nổi. Âm thanh chát chúa. Mùi hôi rác thải... thật là khủng khiếp”. Còn ông Lê Văn Ngọc ở tổ 3 và nhiều người dân sống quanh các cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Du cũng cho biết, họ sợ và lo nhất là đến mùa mưa. Nhiều loại rác thải được họ chất đống dọc hành lang vỉa hè nên nếu mưa xuống sẽ làm bốc mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Ông Ngọc mong muốn: “Kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, tôi đề nghị các đại biểu sẽ quan tâm, góp chung tiếng nói đề ra nhiều giải pháp để có thể di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi KDC, mang lại cuộc sống an toàn, vệ sinh, thông thoáng hơn cho người dân”.

Theo quy định, các cơ sở thu mua phế liệu đủ điều kiện kinh doanh phải bảo đảm được các yêu cầu như: Có giấy phép kinh doanh, có cam kết bảo vệ môi trường, có kho bãi tập kết xa KDC, cũng như phải trang bị đầy đủ các dụng cụ trang thiết bị phòng chống cháy nổ… Tuy nhiên, đa phần các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh lại hoạt động tự phát, nhỏ lẻ và không bảo đảm được những yêu cầu này. Do vậy, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Ông Trần Duy Tuấn, khu phố Bình Đức 3, phường Bình Hòa, TX.Thuận An nói: “Theo tôi các cơ sở thu mua phế liệu gây ảnh hưởng tới môi trường sống, gây mất trật tự, rồi lấn chiếm hàng lang đường bộ. Nhiều mảnh thủy tinh, vật nhọn… rơi vãi sẽ rất nguy hiểm, nhất là với trẻ em. Tôi đã nhiều lần có ý kiến trong các buổi tiếp xúc cử tri. Tôi rất mong chính quyền địa phương cùng các cơ quan ban ngành cần quan tâm giải quyết ngay”.

Thực tế, theo thống kê sơ bộ, đến cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.200 cơ sở thu mua phế liệu, trong đó có khoảng 200 cơ sở là các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh và nội dung đăng ký chỉ xin phép làm trụ sở, văn phòng không tổ chức phân loại, lưu chứa phế liệu và thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của cấp huyện; phần còn lại là của các hộ gia đình cá thể, hầu hết hoạt động nhưng không có đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý cấp xã. Đối với các cơ sơ kinh doanh không phép, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý và đề nghị các cơ sở này chấm dứt hoạt động, đồng thời khuyến nghị di dời cơ sở đến những địa bàn phù hợp. Tuy nhiên, thực tế nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu không phép vẫn đang hoạt động xen lẫn trong các KDC. Vì vậy, người dân đang mong chờ các ngành chức năng có thêm giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng trên.

TÂM BÌNH