Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm: Tích cực phòng ngừa

Thứ hai, ngày 17/02/2020

(BDO)  Nguồn cung tăng, sức mua yếu khiến giá gia cầm bán tại trại chăn nuôi hiện chỉ còn từ 12.000 đồng/kg, thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây. Người nuôi gà đang lỗ nặng, lại phải đang đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm.

 Chăn nuôi gia cầm tại một trang trại lạnh trên địa bàn huyện Phú Giáo Ảnh: TIỂU MY

 Người nuôi lỗ nặng

Người chăn nuôi gà bất ngờ rơi vào tình cảnh lỗ nặng do giá gia cầm bán ra hiện chỉ bằng 1/2 chi phí. Thông tin từ các trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho biết giá gà, vịt từ sau tết đến nay giảm liên tục: Trước tết giá gà trắng (gà công nghiệp) tiêu chuẩn (2 - 2,5kg/con) dao động từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, đến thời điểm này còn 12.000 - 13.000 đồng/kg, gà quá lứa (nặng từ 3 - 4kg) giá chưa tới 10.000 đồng/kg. Giá gà thả vườn trước tết từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, nay giảm còn 35.000 đồng/kg; gà tam hoàng từ 50.000 - 60.000 đồng giảm còn 22.000 - 23.000 đồng/kg. Giá vịt tại các trại chăn nuôi ở Phú Giáo trước tết từ 46.000 - 51.000 đồng/kg, nay giảm còn 18.000 đồng/kg.

Ông Đinh Ngọc Khương, chủ trại nuôi gà ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho hay với quy mô 200.000 con hiện nay mỗi ngày ông xuất 7 tấn gà các loại. Với giá cả hiện tại, trại của ông phải chịu lỗ từ 80 - 100 triệu đồng/ngày. Nguyên nhân gà rớt giá, theo ông Khương là do dịch bệnh từ trước tết nên nhiều nơi, tổ chức, cá nhân không tổ chức tiệc cuối năm; trong khi đó từ đầu năm đến nay học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều công ty, xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm nhiều loại thực phẩm. Bên cạnh đó, năm qua xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, các trại chăn nuôi gia cầm trong cả nước đều tăng đàn dẫn đến nguồn cung thừa; thời tiết lại thuận lợi cho đàn gia cầm phát triển, nên việc gà giảm giá sâu là không tránh khỏi.

Không chỉ người nuôi gà thịt khốn đốn, người nuôi gà trứng cũng lỗ nặng với mức giá hiện nay. Anh Lê Văn Dương, chủ trại gà (huyện Dầu Tiếng), cho biết hiện trứng gà anh xuất đi tùy loại lớn nhỏ khác nhau đang dao động ở mức giá 500 - 1.100 đồng/quả. Tính trung bình trại đang lỗ 50% chi phí nuôi gà. Mỗi ngày anh cung ứng ra thị trường 340.000 quả trứng, tương ứng với số tiền lỗ lên đến 150 triệu đồng/ngày (tức 4,5 tỷ đồng/tháng). Thời điểm này năm ngoái, giá trứng gà cũng giảm nhẹ xuống còn 1.500 - 1.600 đồng/quả, chứ không giảm sâu xuống giới mức giá thành như năm nay.

Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán trứng gia cầm tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), cho biết giá các loại trứng gia cầm chị bán ra hiện giảm 100 - 500 đồng/quả. “Đầu năm sức mua giảm, trong khi đó hàng dồi dào nên giá trứng gà giảm hơn so với trước tết. Thời gian gần đây thịt gà công nghiệp giảm mạnh cũng làm ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng trứng của người dân. Thêm vào đó, thông tin dịch bệnh Covid-19 nên chợ cũng giảm khách”, chị Lan nói.

Tích cực phòng ngừa cúm gia cầm

Một nỗi lo khác là hiện dịch bệnh cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 đang lan mạnh tại các tỉnh phía Bắc. Ông Khương cho biết vốn liếng của gia đình ông đã và đang đổ vào trại chăn nuôi. Giá gà giảm sâu, nay lại thêm thông tin dịch cúm gia cầm đang lan mạnh khiến những người chăn nuôi như ông vô cùng lo lắng. Hiện trang trại đang thực hiện nghiêm ngặt việc an toàn sinh học, cộng với sát trùng, tiêm phòng vắc xin cho đàn gà… nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy trên 43.000 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Trước tình hình này, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh cần bám sát Kế hoạch số 2491 của UBND tỉnh về việc thực hiện kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 ban hành năm 2019.

Hiện chi cục đang thực hiện việc phân chia vùng nguy cơ (cấp huyện) về bệnh cúm gia cầm; tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng; quản lý chặt việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Cùng với đó, chi cục tăng cường thông tin tuyên truyền; xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch trong trường hợp có dịch bệnh diễn ra...

Đối với việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, Kế hoạch số 2491 nêu rõ: Duy trì, thực hiện chính sách tiêm phòng miễn phí đối với bệnh cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh theo tiêu chí của UBND tỉnh (kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện mua vắc xin, tổ chức tiêm phòng).

Tại huyện Phú Giáo, địa phương có số lượng cơ sở chăn nuôi gia cầm lớn của tỉnh, ngày 14-2 vừa qua UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm và thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng năm 2020. Ông Trần Văn Đức, Tram trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết từ ngày 15-2 trạm thực hiện kế hoạch nhằm chủ động ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/ H5N6 gây ra nói riêng. Ngoài tiêm phòng, trạm cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh.

 Ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện mục tiêu cụ thể là duy trì các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo là 4 vùng chăn nuôi được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm. Từ đó xây dựng các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu. Ngành cũng nâng cao năng lực ngành thú y của tỉnh trong công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y cấp tỉnh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

 TIỂU MY