Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo: Những nỗ lực để giảm sinh con thứ 3 trong công nhân cao su
Những năm trước, khi kinh tế gia đình tăng lên do cao su có giá, nhiều đôi vợ chồng trẻ ở Phú Giáo, đặc biệt là công nhân trong các nông trường cao su có tâm lý muốn sinh thêm con cho “có anh có em”. Tình trạng sinh con thứ 3 từ đó bắt đầu gia tăng và đó cũng là lúc cán bộ, cộng tác viên dân số (DS) nơi đây bận rộn hơn với những chương trình, mục tiêu cụ thể…
Mỗi gia đình được khuyến khích dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt
Người dân ở huyện Phú Giáo chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Hệ thống y tế có một Trung tâm Y tế huyện (sáp nhập 3 đơn vị: Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bệnh viện Đa khoa cấp huyện và Trung tâm Y tế vào ngày 3-1-2013) và 11 trạm y tế xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Với điều kiện ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về DS-KHHGĐ còn thấp với những quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”… nên chuyện vận động bà con, nhất là với công nhân cao su thực hiện gia đình 1 - 2 con thật khó khăn. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình DS-KHHGĐ với 24 thành viên là lãnh đạo các cấp huyện, thị trấn, xã, đoàn thể để thuận tiện cho việc triển khai, tuyên truyền các vấn đề về DS.
Bác sĩ Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo cho biết: “Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trong công nhân cao su, chúng tôi nhờ rất nhiều vào lực lượng cộng tác viên dân số. Toàn huyện có 124 người làm việc theo kiểu đi tận ngõ, gõ tận nhà để nói chuyện, động viên bà con thực hiện đúng Pháp lệnh DS”. Để công tác DS được thuận lợi, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Công ty Cao su Phước Hòa cũng như các nông trường hàng tháng đều cử cán bộ y tế đến tư vấn sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Các dịp 8-3 và 20- 10 hàng năm bác sĩ cũng đến nói chuyện về DS, khám sức khỏe sinh sản định kỳ cho nữ công nhân cao su…
Khó khăn nhất của cán bộ DS từ huyện đến xã ở Phú Giáo là địa bàn rộng, kinh phí cho các chương trình còn thấp và nhiều hộ dân chưa quan tâm. Đứng trước khó khăn này, Trung tâm Y tế huyện đã vận động các cấp, ngành, các đoàn thể thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ không sinh con thứ 3 và câu lạc bộ nuôi dạy con tốt. Khẩu hiệu thường xuyên của cộng tác viên dân số là dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Việc tổ chức các ngày hội gia đình với việc tuyên dương những gia đình tiêu biểu cũng được duy trì hàng năm vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 để tuyên dương các gia đình mẫu mực, con cháu thảo hiền.
Cũng theo bác sĩ Kim Oanh, nhiều hộ công nhân cao su trẻ đã hiểu rõ và nhận thức đúng đắn hơn về việc không sinh con thứ 3. Ở địa phương cũng triển khai tuyên dương những gia đình sinh con một bề (2 gái hoặc 2 trai) học giỏi, hiếu thảo để làm gương cho những hộ khác. Một quyết tâm nữa của những cán bộ thực hiện DS- KHHGĐ là tăng cường truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cán bộ y tế thường cập nhật những thông tin cần tuyên truyền lên đài truyền thanh huyện về những cuộc vận động, các mục tiêu chiến lược về DS để bà con nâng cao nhận thức hơn nữa.
Với những cố gắng trong công tác DS KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt đơn vị văn hóa. Đây cũng là đơn vị nhận bằng khen của UBND tỉnh các năm: 2004, 2005, 2011 và bằng khen của Bộ Y tế năm 2011…
QUỲNH NHƯ