Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Bình Dương: Chung tay vực dậy làng nghề sơn mài
(BDO) Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã tạo nên dấu ấn trên thị trường thế giới. Các thế hệ nghệ nhân tài hoa đã tạo ra các sản phẩm sơn mài độc đáo, vang bóng một thời. Nằm trong chương trình đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN), vực dậy làng nghề, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương (XTĐT, TM&PTCN), đã thực hiện dự án “Hỗ trợ ứng dụng máy in UV trong sản xuất sơn mài” tại Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, một trong những đơn vị tiên phong của Làng sơn mài Tương Bình Hiệp trong việc thực hiện phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây là DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh hàng năm. Đặc biệt, năm 2018, sản phẩm Bình vẽ hoa đồng tiền của đơn vị đã được bình chọn là sản phẩm CNNT cấp khu vực.
Thăng trầm làng nghề truyền thống
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp tính đến nay đã hình thành và phát triển được gần 200 năm. Vào những năm đầu thế kỷ XX sản phẩm sơn mài ở đây được làm theo phương pháp thủ công, vừa tinh xảo, vừa bền đã nổi tiếng khắp cả nước. Lúc này, có hơn 80% tổng số hộ tham gia làm nghề sơn mài. Không khí nhà nhà, người người làm sơn mài trong những năm đầu đất nước đổi mới rất nhộn nhịp. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn tồn tại đến hôm nay. Sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của những người thợ ngày càng mang lại nhiều sự mới lạ cho các sản phẩm. Ngoài cách làm sơn mài truyền thống khảm vỏ ốc lên gỗ, thì những nghệ nhân, người thợ còn dùng những chất liệu cẩn khảm từ tre, nứa, vỏ cây, để tạo ra nhiều sản phẩm bình, chậu, tranh… khác nhau. Hiện các DN ở Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Bá Linh giới thiệu tính năng máy in họa tiết trên sản phẩm sơn mài
Song càng về sau, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp càng gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân có khuynh hướng bỏ nghề, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề, nguyên liệu đầu vào còn thiếu. Còn do thiếu sự liên kết giữa các cơ sở, DN, nghệ nhân, thợ thủ công trong việc mở mang, truyền nghề. Ứng dụng tiến bộ KHKT vào nghề còn chậm, đội ngũ đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề cao còn ít…
Đầu tư cho Tư Bốn và các DN “tinh hoa của những tinh hoa”
Trước thực trạng Làng sơn mài Tương Bình Hiệp gặp khó khăn, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ vực dậy làng nghề. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công, nay là Trung tâm XTĐT, TM&PTCN, Sở Công thương, nhiều năm nay đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ làng nghề. Riêng năm 2018, trung tâm này có 3 dự án hỗ trợ 3 DN trong làng sơn mài. Ngày 2-11, Trung tâm XTĐT&PTTM đã hỗ trợ ứng dụng máy in UV 6090 trong sản xuất sơn mài cho Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn.
Nghệ nhân Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, ở Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, cho biết: “Công ty chúng tôi đã 2 lần được Trung tâm Khuyến công, nay là Trung tâm XTĐT, TM&PTCN hỗ trợ. Lần đầu là được trung tâm này đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nay là hỗ trợ đầu tư máy in họa tiết trong sản xuất sơn mài. Từ khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn, công ty chúng tôi ngày càng ăn nên làm ra. Bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường, Tư Bốn còn cố gắng không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm lo đời sống người lao động. Khách hàng chúng tôi là các công ty từ những nước nhập khẩu khó tính ở các vùng lãnh thổ châu Âu, châu Mỹ… trước khi đặt hàng thường sẽ đi khảo sát xem những đối tác họ muốn đặt hàng có tuân thủ theo những điều kiện về nhà xưởng, công nhân, giữ vệ sinh môi trường xung quanh… Nên khi được chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất, Công ty Tư Bốn đã đầu tư xử lý chất thải đúng bài bản, nâng cao vị thế công ty, góp phần ổn định những đơn hàng, giải quyết việc làm ổn định cho 40 - 60 lao động trực tiếp”.
Ông Lê Bá Linh cho biết thêm: “Trước đây công đoạn in họa tiết trên sản phẩm đều phải đem đi làm trong ngoài tỉnh, nên tốn chi phí vận chuyển, thuê mướn, không chủ động được thời gian hoàn thành sản phẩm. Sau khi được Trung tâm XTĐT, TM&PTCN hỗ trợ ứng dụng máy in họa tiết trong sản xuất sơn mài, DN sẽ chủ động thời gian sản xuất, giảm chi phí gia công, thuê ngoài. Qua đó, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và DN, nâng cao năng suất lao động, chủ động thời gian sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng”.
Ông Linh cho biết thêm, không phụ kỳ vọng của Nhà nước, của khách hàng, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng sơn mài xuất khẩu, Tư Bốn đã và đang chăm chút từng sản phẩm, được làm từ những chất liệu khác nhau như: Gỗ, tre, ván ép, MDF, Fiber-glass, Ceramic... kết hợp với nghệ thuật cẩn trứng, cẩn ốc, dát vàng, dát bạc, dát veneer, lục bình, cói, da, đồng, sắt và gạch, để mang đến cho người tiêu dùng những dòng sản phẩm độc đáo, cũng là để quảng bá cho thương hiệu của DN và cả làng nghề.
Nhờ được đầu tư bảo vệ môi trường, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sản phẩm của Tư Bốn đạt đủ các tiêu chí sản phẩm CNNT tiêu biểu: tiêu chí đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất, tiêu chí kinh tế, kỹ thuật xã hội và môi trường, tiêu chí về văn hóa và thẩm mỹ. Từ đó vị thế công ty tăng lên trong mắt của khách hàng, đối tác. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty cũng gia tăng.
Ông Linh cho biết: “Với vai trò Phó Chủ tịch hiệp hội, tôi cũng giới thiệu các DN trong hiệp hội làm đơn đăng ký Trung tâm XTĐT, TM&PTCN để được hỗ trợ. Năm 2018, Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc có Công ty Tư Bốn, Công ty Thùy Vân và Bảo Nam được Trung tâm này hỗ trợ đầu tư”.
Kỳ vọng vực dậy làng nghề
Để vực dậy làng nghề sơn mài truyền thống của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã thành lập Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc tỉnh Bình Dương. Hiệp hội là cầu nối quan trọng góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống này.
Tính đến năm 2016, Tương Bình Hiệp chỉ còn khoảng 50 hộ sản xuất, kinh doanh sơn mài, với hơn 500 người theo nghề.
Năm qua, làng sơn mài có niềm vui lớn. Ngày 17-1-2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cùng TP.Thủ Dầu Một tổ chức lễ công bố nghề sơn mài được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tín hiệu tích cực nhằm góp phần bảo tồn phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương.
Vui vì làng nghề sơn mài được vinh danh, càng lo khi nghề sơn mài đang đối đầu với thực trạng khó khăn, mai một. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh tiếp tục đồng hành cùng DN, vực dậy các làng nghề truyền thống, đặc biệt là tài sản phi vật thể quốc gia Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp, năm 2018, Sở Công thương, Trung tâm XTĐT, TM&PTCN đẩy mạnh đầu tư cho các DN tại đây. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Sở Công thương, Trung tâm XTĐT, TM&PTCN đầu tư ứng dụng máy in họa tiết cho Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, đơn vị tiên phong của Làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp và hỗ trợ các DN điển hình của làng sơn mài nhằm vực dậy một ngành nghề, một làng nghề truyền thống”.
Ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp, cho biết: “Mong Nhà nước có nhiều chương trình đầu tư hơn và nhiều DN được thụ hưởng hơn để làng nghề truyền thống được vực dậy và phát triển hơn xưa”.
Hy vọng với sự hỗ trợ của Sở Công thương, Trung tâm XTĐT, TM&PTCN, Công ty Tư Bốn, các DN ở làng nghề Tương Bình Hiệp đã nhận được sự hỗ trợ, cũng như chưa được hỗ trợ, càng cố gắng vươn lên, vượt khó, ổn định sản xuất, kinh doanh, trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, để làm ăn, làm giàu chân chính, cũng là để giữ gìn, phát huy nét đẹp, tinh hoa của làng nghề truyền thống, tài sản phi vật thể vô giá của địa phương, của quốc gia.
TTKC