Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương: “Quả ngọt” từ sáng tạo
(BDO) Với những nỗ lực không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương đã tạo ấn tượng tốt tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2). Kết quả của đơn vị sẽ là động lực để viết tiếp những thành công trong thời gian tới.
Một tiết mục của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương trình diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2)
Là đơn vị đăng cai và mở màn liên hoan, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương đã tạo ấn tượng với khán giả và hội đồng nghệ thuật với chương trình mang tên “Tiếng gọi mạch nguồn”. NSƯT Đoàn Quốc Linh, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh (Trung tâm Văn hóa tỉnh), cho biết nhờ năng lượng dồi dào từ đội ngũ sáng tạo và lực lượng diễn viên, kết hợp với sự đầu tư công phu, đổi mới, đột phá về phong cách biểu diễn, chương trình của đoàn Bình Dương đã chinh phục khán giả và hội đồng nghệ thuật liên hoan.
Đánh giá về nội dung tiết mục thi diễn của Bình Dương, NSND Trần Bình cho rằng chương trình có chủ đề xuyên suốt, biết khai thác chất liệu dân gian của địa phương kết hợp với phong cách hiện đại hết sức nhuần nhuyễn, đẹp mắt; thiết kế sân khấu đơn giản nhưng sang trọng và hiệu quả. Trong khi đó NSƯT Trần Vương Thạch thì cho rằng “Các tiết mục được dàn dựng tinh tế, hấp dẫn người xem”.
Để có được “thành công nối tiếp thành công” trong 2 kỳ liên hoan là thời gian dài lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh tìm hướng đi cho đoàn Ca múa nhạc Dân tộc thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Cụ thể hàng năm đoàn duy trì tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp và trình độ biểu diễn cho đội ngũ diễn viên; chú trọng việc nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; kiên trì phương hướng sáng tạo, phát triển nghệ thuật theo định hướng “dân tộc truyền thống”. Luôn tiếp thu, tận dụng ưu thế của các loại hình nghệ thuật khác làm cho chương trình biểu diễn phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức, đáp ứng đa dạng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhiều đối tượng công chúng.
Chia sẻ về định hướng phát triển tài năng trẻ và duy trì sự đa dạng trong các chương trình âm nhạc của Trung tâm Văn hóa tỉnh, ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết hàng năm trung tâm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ ca múa nhạc để diễn viên được cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ biểu diễn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sân khấu ca múa nhạc trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo ông Sơn, thành công trong hoạt động của đoàn Ca múa nhạc Dân tộc thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương là kết quả của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên, ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc của tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhất là sự lãnh đạo sát sao, hiệu quả của các cấp.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2) vừa qua, trung tâm là một trong 3 đơn vị nghệ thuật đạt huy chương vàng giải chương trình, đoạt 5 huy chương tiết mục. Đặc biệt, chương trình “Tiếng gọi mạch nguồn” của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương là chương trình dự thi duy nhất trên tổng số 24 chương trình tham gia liên hoan vinh dự nhận giải “Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc”. |
THỤC VĂN