Trung tâm tư vấn pháp luật: “Cầu nối” kiến thức pháp luật cho người lao động

Thứ tư, ngày 04/03/2015

“Với nhiều công nhân (CN) như chúng tôi, một số kiến thức về pháp luật và các vấn đề như lương, thưởng, bảo hiểm thất nghiệp… còn chưa rõ. Giờ đây, những vấn đề chưa rõ, chúng tôi đã có Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương giải đáp”. Đó làtâm sự của đa số CN khi đến với trung tâm vàđược tư vấn để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho mình.

(BDO)

Ông Nguyễn Thanh Tùng (phải), tư vấn viên của trung tâm đang tư vấn pháp luật cho công nhân

Thắc mắc được giải tỏa

Đến với Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, lật từng trang ghi chép số người đến nhờ tư vấn, rất nhiều vấn đề CN còn mơ hồ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, tư vấn viên của trung tâm cho biết, mỗi tháng trung tâm tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại hơn 100 trường hợp. Trong đó, những nội dung CN quan tâm chủ yếu liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, tăng ca, an toàn lao động; các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Trung tâm đã kịp thời giải tỏa được các thắc mắc, kiến nghị của họ, góp phần từng bước tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Vui vẻ khi được trở lại công ty làm việc sau khi hòa giải thành công, đólà trường hợp của chị Nguyễn Thị Gái, Công ty TNHH Phú Xuân, TP.Thủ Dầu Một. Trong lúc đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ phát hiện chị bị bệnh gan nên giữ lại theo dõi, điều trị 8 ngày. Nằm viện đột xuất, chị chỉ kịp gửi đơn xin nghỉ phép đến bảo vệ của công ty. Khi trở lại làm việc, công ty buộc chị thôi việc vì nghỉ không có phép. Ấm ức, chị gặp Ban Chấp hành Công đoàn công ty nhưng không được giải quyết. Sau đó, chị tìm đến trung tâm để nhờ tư vấn. Tại đây, chị được cán bộ tư vấn hướng dẫn chị đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.Thủ Dầu Một trình bày lý do, đồng thời chuẩn bị những giấy tờ liên quan đến việc điều trị bệnh kèm trong đơn yêu cầu. Có đầy đủ cơ sở pháp lý, chị được Phòng LĐ-TB&XH TP.Thủ Dầu Một hòa giải thành công và chịđãtrở lại làm việc.

Trường hợp anh Nguyễn Phước Long, CN Công ty Cổ phần Đông Á (TX.Tân Uyên) đến nhờ tư vấn việc công ty cũ giữ lại sổ bảo hiểm khi anh đã nghỉ việc. Anh mong muốn được giải quyết để lấy sổ về nộp vào công ty mới. Qua trao đổi với cán bộ tư vấn của trung tâm, anh biết “đường đi nước bước” từ việc làm đơn trình Phòng LĐ- TB&XH TX.Tân Uyên, đơn gửi đến công ty. Nhận được đơn, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TX.Tân Uyên tìm hướng giải quyết. Sau 2 tuần, anh Long nhận được sổ bảo hiểm. Anh Long, nói: “Tôi nghỉ việc nhưng công ty không trả sổ. Nhờ các bạn trong dãy trọ hướng dẫn tôi đến trung tâm. Tại đây, tôi được nhân viên trung tâm chỉ dẫn tận tình, cụ thể để nhanh chóng lấy được sổ. Trung tâm thật sự là “cầu nối” bảo vệ, giúp đỡ để chúng tôi hiểu về quyền, nghĩa vụ của mình”.

Điểm đến tin cậy

Mặc dù được thành lập chưa đầy 1 năm (tháng 4-2014) nhưng trung tâm đã trở thành “điểm đến tin cậy” của CN khi có những vấn đề liên quan đến luật. Tính đến nay, trung tâm đã tư vấn trực tiếp cho 657 lượt người, tư vấn qua điện thoại cho 440 lượt người, trả lời tình huống bằng văn bản 2 trường hợp, tư vấn trực tiếp tại khu nhà trọ CN cho hơn 70 lượt người. Ngoài ra, trung tâm còn tuyên truyền pháp luật lao động và phát miễn phí 50 quyển sổ tay pháp luật cho CN; phát 13.920 tờ rơi tuyên truyền 8 chế định của Bộ luật Lao động và 150 bộ tài liệu giáo trình tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; đồng thời phối kết hợp giải quyết các vụ đình lãn công, tham gia tập huấn pháp luật cho cán bộ công đoàn cơ sở các công ty.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc trung tâm cho biết, để đáp ứng nhu cầu được tư vấn pháp luật của CN, trung tâm có 2 tư vấn viên, hợp đồng với 4 luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh; 25 tổ tư vấn pháp luật tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, thị, công đoàn ngành và tương đương, công đoàn cơ sở trực thuộc với 153 tư vấn viên và hòa giải viên lao động. Với những hoạt động thiết thực, trung tâm đã góp phần hạn chế tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp. Ông Dũng cho biết thêm, trung tâm được nâng cấp từ Văn phòng tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh. Số lượng cán bộ tư vấn, luật sư của trung tâm còn mỏng nên chưa tổ chức tư vấn lưu động cho CN các khu công nghiệp, khu nhà trọ. Thời gian tới, trung tâm sẽ “hướng ngoại” đi về các nơi có đông CN để hỗ trợ cho họ những vấn đề thắc mắc liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ.

Để hoạt động của trung tâm đi vào chiều sâu, Ban Giám đốc trung tâm cũng kiến nghị, đề xuất tăng kinh phí, nhân lực. Bởi theo quy định của Nghị định 77/2008, trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản, mà lĩnh vực chủ yếu của trung tâm là lao động và công đoàn nên không thể thu phí đối với người lao động, đoàn viên công đoàn. Bên cạnh đó, trung tâm rất cần sự hỗ trợ từ phía công đoàn cơ sở các công ty, LĐLĐ các huyện, thị, thành phố, Phòng LĐ-TB&XH giới thiệu hoạt động của trung tâm để người lao động biết, tìm đến để được tư vấn miễn phí.

 T.LÝ