Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương: Nơi ươm mầm đổi mới sáng tạo
(BDO) Nhằm khơi dậy tiềm năng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Bình Dương đã thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC). BIIC ra đời là hết sức cần thiết, phù hợp xu hướng phát triển, góp phần quan trọng trong việc hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững, thúc đẩy xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương năng động, sáng tạo.
Sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm và chế tạo của BIIC (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh)
Tiềm năng
Những năm gần đây, vai trò của các doanh nghiệp (DN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đã được khẳng định, thể hiện qua những đóng góp đối với tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nộp ngân sách và giải quyết việc làm. Việc phát triển nhanh và bền vững của cộng đồng DN tỉnh là hết sức quan trọng, bức thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là yêu cầu đối với hoạt động khởi nghiệp trong thời kỳ mới. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 DN trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 233.000 tỷ đồng, các DN duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ tốc độ tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, DN hiện nay vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương về mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ DN của tỉnh trong những năm qua chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ pháp lý như tuyên truyền pháp luật, tư vấn thực hiện thủ tục hành chính… Đồng thời, việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN đổi mới dây chuyền sản xuất, tiếp cận công nghệ mới chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nền kinh tế Bình Dương vẫn còn phải dựa vào sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Muốn thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất công nghiệp toàn cầu thì cần phải tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy các DN khởi nghiệp, DN khoa học công nghệ và đổi mới phát triển.
Bà Phan Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, thị trường công nghệ Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Bình Dương có ngành công nghiệp phát triển nhanh so với cả nước, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, là vùng đất tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài; cơ cấu dân số vẫn đang trong giai đoạn trẻ. Bình Dương hiện có 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 45 trung tâm và cơ sở dạy nghề, hạ tầng viễn thông được đầu tư phát triển mạnh, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với TP.Hồ Chí Minh - trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất trong cả nước. Đây chính là tiềm năng để tỉnh nhà phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững
Qua thực tiễn tiếp cận nhiệm vụ và học tập kinh nghiệm, Sở Khoa học và Công nghệ nhận thấy việc cần đầu tư một cơ sở hạ tầng để những thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp gỡ, kết nối, tạo không gian để thu hút sáng kiến cộng đồng là một hoạt động rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc giúp hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Đồng thời đó là một yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển TPTM Bình Dương theo nhiệm vụ đã được phê duyệt. Việc thành lập và phát triển BIIC, trong đó hỗ trợ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái là hết sức cần thiết, phù hợp xu hướng phát triển các hoạt động hỗ trợ, góp phần quan trọng trong việc hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững tại Bình Dương.
Bà Phan Thị Thùy Trang cho biết thêm, mục tiêu thành lập và phát triển BIIC nhằm đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu được hỗ trợ của DN, người dân tỉnh Bình Dương. Hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển các DN tri thức, hướng đến xây dựng TPTM Bình Dương năng động, sáng tạo. Đồng thời phát triển cộng đồng DN tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có thể tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo bà Trang, định hướng phát triển của BIIC được đề xuất với định hướng tăng cường kết nối trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ theo mô hình “ba nhà” và là cầu nối chủ đạo trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính đặc thù của tỉnh Bình Dương.
BIIC sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt có ý nghĩa về mặt phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đóng vai trò khởi xướng, là chủ thể kết nối. Giai đoạn đầu BIIC sẽ tập trung vào các chương trình đào tạo khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy hình thành câu lạc bộ khởi nghiệp, mạng lưới vườn ươm tại các trường đại học, các khu công nghiệp và các DN lớn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ kết nối, phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm thực nghiệm và chế tạo (Fablab/Techlabs) góp phần hình thành một cộng đồng sáng tạo. BIIC cũng là nơi nghiên cứu, thử nghiệm các sáng kiến cộng đồng, khởi xướng và phát triển các thử nghiệm thực tế (Living lab) để phục vụ triển khai hiệu quả Đề án TPTM Bình Dương.
PHƯƠNG LÊ