Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh: Phát huy truyền thống của đơn vị

Thứ hai, ngày 31/10/2016

Cùng với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển các khu công nghiệp đã tạo điều kiện thúc đẩy và biến Bình Dương thành nơi “đất lành chim đậu” của bao người. Đồng thời cũng tạo ra thách thức lớn về kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc, quản lý sức khỏe cộng đồng, trong đó có công tác phòng, chống bệnh xã hội (BXH).

(BDO)  Trung tâm Phòng chống BXH tỉnh Bình Dương là đơn vị sự nghiệp y tế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác khám, điều trị và chỉ đạo tuyến phòng chống BXH trên toàn tỉnh, bao gồm các bệnh chuyên khoa đặc thù tâm thần; lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản... Cơ cấu tổ chức của trung tâm có 2 phòng chức năng: Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Kế hoạch Tài chính và 5 khoa chuyên môn: Khoa lao, khoa tâm thần, khoa da liễu, khoa mắt và khoa dược - cận lâm sàng. Chất lượng nhân lực của đơn vị đã có bước tiến vượt bậc. Từ những ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ viên chức và lao động của trung tâm còn yếu và thiếu rất nhiều, nhất là cán bộ trình độ đại học và sau đại học. Đến nay, trung tâm có 43 cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng.

Mạng lưới phòng chống lao đã được triển khai rộng khắp từ tuyến tỉnh đến 100% xã, phường, thị trấn, trại tạm giam, cơ sở giáo dục tạo việc làm và bệnh viện Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Từ năm 2007 bắt đầu điều trị dự phòng Cotrimoxazol cho bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV và từ năm 2008-2013 triển khai thực hiện hoạt động lồng ghép lao/ HIV thuộc Tiểu Dự án Life-gap đã đóng góp hiệu quả cho công tác chăm sóc và giảm nhẹ lao/HIV, đặc biệt là công tác tầm soát nhiễm HIV trong bệnh nhân lao. Từ đầu năm 2014 đến nay được sự tài trợ của Quỹ toàn cầu, trung tâm tiếp tục triển khai hoạt động lồng ghép lao/HIV; quản lý điều trị lao kháng thuốc và dự phòng INH cho trẻ em tiếp xúc nguồn lây. Với những nỗ lực của toàn mạng lưới phòng chống lao, trong thời gian qua tỷ lệ thử đàm phát hiện trên dân số đạt từ 0,6 - 0,7%, tỷ lệ phát hiện lao AFB+ mới trên số người thử đàm vào khoảng 10 - 13% (tức khoảng 10 - 13 người thử đàm có 1 người bị lao), tỷ lệ điều trị thành công đối với lao các thể >88%, tỷ lệ bỏ trị được khống chế <3%, tỷ lệ chết <5%. So với yêu cầu của chương trình thì Bình Dương là tỉnh duy trì thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Bình Dương là tỉnh triển khai loại trừ bệnh phong sớm trong cả nước ở quy mô cấp tỉnh và huyện. Năm 2007, đã hoàn thành loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh... Mạng lưới chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em tỉnh Bình Dương được triển khai từ năm 1999, đến năm 2000 đã triển khai đồng loạt tại 100% các huyện, thị. Cuối năm 2007 đạt 100% xã, phường, thị trấn triển khai về bệnh tâm thần phân liệt... Hiện tại tổng số bệnh nhân tâm thần đang quản lý, điều trị trong chương trình là 3.288 bệnh nhân.

Trong công tác chăm sóc mắt cộng đồng, nhiều hoạt động được triển khai nhằm tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh được. Trung tâm đang phấn đấu tiến tới loại trừ bệnh mắt hột học đường trước năm 2020. Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản bắt đầu được triển khai từ năm 2015, với địa phương đầu tiên là TX.Thuận An và tiếp tục triển khai ra các huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, trung tâm còn phối kết hợp với các tổ chức quốc tế Quỹ chăm sóc mắt ECF (Hà Lan), Đại học Mc Gill Canada, Quỹ toàn cầu, WHO/GDF, UNITAD... triển khai thực hiện các dự án tài trợ, góp phần chăm lo sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy hoạt động chuyên môn và nâng cao năng lực cho cán bộ đơn vị. Mổ mắt từ thiện cho bệnh nhân nghèo do Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương bảo trợ kinh phí hàng năm.

Công chức, viên chức lao động trung tâm quyết tâm phát huy truyền thống của đơn vị, của ngành y tế, giữ vững phẩm chất y đức của người thầy thuốc, người cán bộ y tế tận tụy phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

C.T.V (Trung tâm phòng chống bệnh xã hội)