Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người già cô đơn Bồ Đề Đạo Tràng: Bóng mát từ bi…

Thứ năm, ngày 10/09/2015

Nơi đó có một ngôi chùa hiền hòa gắn liền với biết bao Phật sự ý nghĩa, nơi đó từ một ngôi chùa nhỏ mà dân gian quen gọi là chùa Thầy Thỏ, nay đã trở thành một trung tâm nuôi trẻ bị bỏ rơi rất khang trang. Và đây cũng là nơi mà nhiều tấm lòng từ bi bác ái đã cùng với trụ trì nhà chùa - Sư cô Thích nữ Từ Thảo tạo nên bóng mát cho đời…

(BDO)

 Sư cô Thích nữ Từ Thảo với trẻ mồ côi ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và người già cô đơn Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: Q.NHƯ

 Làm phước giúp đời

Trong một buổi chiều tà, tôi ngồi chuyện trò cùng Sư cô Thích nữ Từ Thảo. Đó là thời khắc được tạm coi là… rảnh rỗi nhất ở Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi và người già Bồ Đề Đạo Tràng. Khi đó, các cháu bé đã được tắm rửa sạch sẽ, cho ăn, uống sữa. Các bé lớn hơn được giải lao một lúc rồi ngồi vào bàn học bài. Các ni cô tạm được nghỉ ngơi sau một ngày vừa làm việc vừa tu tập. Để đến tối, lại một người một việc từ học hành, kinh kệ, tĩnh thiền… Thử quan sát mọi người, mọi chuyện diễn ra ở đây, tôi nghiệm ra rằng, để từ bỏ những bon chen xô bồ giữa cuộc đời để chuyên tâm tu tập và làm việc thiện, thật sự phải có một sức mạnh, một quyết tâm rất lớn mới làm được.

Sư cô Thích nữ Từ Thảo cho biết, chùa Bồ Đề Đạo Tràng được xây dựng từ năm 1970, trải qua năm tháng, chùa đã xuống cấp, hiện chùa thấp hơn mặt đường chính 2m nên thường xuyên bị ngập khi có mưa làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, tu học và tín ngưỡng của phật tử địa phương. Chùa được cấp phép xây dựng, trùng tu với diện tích 4.507m2, dự kiến kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Chùa Bồ Đề Đạo Tràng cũng là nơi đã xây dựng Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và người già cô đơn. Tính tới thời điểm này (tháng 8-2015), trung tâm có 40 trẻ mồ côi sinh sống tại đây. Bé nhỏ nhất mới vài tháng tuổi. Bé lớn nhất hiện đã học lớp 6 trường Nguyễn Khuyến (Thành phố mới Bình Dương). Chùa còn mở lớp dạy tình thương và giúp đỡ nhiều mặt cho hơn 100 trẻ lang thang, cơ nhỡ, bán vé số, trẻ em từ nơi khác đến Bình Dương theo ba mẹ kiếm sống.

Khi chúng tôi hỏi nguyên do từ đâu để có được việc làm này, Sư cô Thích nữ Từ Thảo tươi cười cho biết: “Tinh thần của nhà Phật là tránh ác làm thiện, luôn hướng sự giúp đỡ của mình đến những hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ, tàn tật, mồ côi. Làm những việc thiện này theo phương châm: Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước giúp cho một người, từ đó tôi càng quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa trong các hoạt động từ thiện xã hội, bằng các việc làm thiết thực như thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và người già cô đơn tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng. Bằng tình yêu thương của mình, tôi đã đón nhận các bé sơ sinh bị bỏ rơi đem vào nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến nay, các con đang sống trong một gia đình thật sự hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương”. Thật vậy, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng chân thành, nhân ái, yêu thương con người, sẵn sàng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.

Là một người tu hành nhưng trước hết, cô cũng là một phụ nữ. Trời ban cho phụ nữ tấm lòng nhân ái, từ bi, dễ trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh. Là phụ nữ lại càng mong muốn được sống trong tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Hoàn cảnh của mình không cho phép cô làm mẹ những đứa con của riêng mình nhưng giờ cô Từ Thảo nhận ra điều nhiệm mầu của tình mẫu tử trong việc nuôi dạy các bé. Tuyệt vời lắm và cũng thiêng liêng lắm!

Dang rộng vòng tay với những mảnh đời bất hạnh

Cô Từ Thảo tâm sự như để trải lòng mình. Nhìn những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc vừa mới chào đời đã vắng đi tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ, cô không thể không cứu giúp. “Đứa bé mồ côi đang nằm co ro, em mơ một mái nhà có cha và có mẹ, đứa bé mồ côi đang nằm đơn côi, như dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời”, lời bài hát cũng là “hoàn cảnh xuất thân” của những đứa trẻ bị bỏ rơi ở trung tâm này. Thế nên cô Từ Thảo cũng như các ni cô, các bảo mẫu ở đây càng nhắc mình phải yêu thương con người hơn, dang rộng vòng tay của mình để bù đắp những thiếu hụt cho các em, mong muốn các em có một sự chăm sóc đầy đủ và được lớn lên trong tình yêu thương với một nền móng vững chãi.

Không mang những cái tên “ám ảnh” cả cuộc đời như Hoài Hận, Trường Hận… bởi có khi ba mẹ các bé giữ con lại, trong sự oán trách ngút ngàn với cuộc đời, với số phận, với tình nhân, các bé ở đây được đặt tên rất đẹp đẽ và ý nghĩa. Bởi, Sư cô Thích nữ Từ Thảo luôn muốn các bé có một cuộc sống sáng sủa, lương thiện. Các bé trai được cô đặt tên: Trí Phước, Trí Thành, Trí Nhân, Trí Hậu… Còn bé gái là Thảo Đoan, Thảo Trang, Thảo Ngân, Thảo Hà... Tất cả đều có giấy khai sinh, được mua bảo hiểm nhân thọ (tổng số tiền mua bảo hiểm cho trẻ mỗi năm khoảng 300 triệu đồng) để sau này các bé đến trường và học hành tử tế. Cô Từ Thảo nói: “Được như vậy thì tôi mới thật sự yên lòng”!

Mong mỏi của các em ở đây là luôn được chăm sóc một cách tốt nhất và hòa nhập với cộng đồng chứ không mặc cảm mình là trẻ mồ côi. Để có được điều này, nhà chùa thường tổ chức các hoạt động xã hội cho các bé cùng tham gia, mời các thành viên của tổ chức đoàn thể đến giao lưu, đưa các bé đi chơi, tham quan… Bản thân Sư cô Thích nữ Từ Thảo cũng giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các hoạt động từ thiện xã hội như: ủng hộ quỹ học bổng, tặng quà gồm sách vở, áo quần để học trò nghèo có điều kiện đến trường. Mỗi năm, kinh phí từ thiện của chùa khoảng 2 tỷ đồng.

Việc chăm lo, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh hết sức khó khăn, vì cô cùng các sư cô ở chùa đều xuất gia từ nhỏ, nên không hề có chút kinh nghiệm về nuôi trẻ, cô đã nhờ một số phật tử ở chùa và những phụ nữ ở địa phương chỉ cách chăm sóc trẻ. “Lúc đầu, nghe tôi hỏi không ít người nhìn bằng đôi mắt dò xét, nghi ngờ. Nhưng khi họ hiểu ra chuyện, hàng tháng họ còn mang sữa đến cho các bé nữa. Bây giờ thì các cô ở chùa đều biết cách chăm sóc trẻ, bằng tình thương, bằng lòng nhân ái, cùng với sự quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại của các sư cô trong chùa mà mọi khó khăn cũng qua và dần trở nên quen thuộc với công việc nuôi dạy trẻ”, cô Từ Thảo chia sẻ.

Ở trung tâm, tôi cũng gặp hoàn cảnh đáng thương nhất là trường hợp của bé Thảo Đoan, năm nay bé 10 tuổi, nhưng thân hình xanh xao ốm yếu, bởi sự hoành hành của căn bệnh tủy bẩm sinh. Hiện nay, tháng nào ni cô cũng phải đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng II để vô máu. Chi phí cho mỗi lần như vậy là gần 1 triệu đồng. Dù biết rằng bé rất khó qua khỏi nhưng cô vẫn kiên trì với quyết tâm kéo dài cuộc sống mong manh của bé.

Trong suốt thời gian qua dù vất vả khó khăn, chi phí sinh hoạt cho mỗi tháng trên 50 triệu đồng. Để có tiền lo cho các cháu hàng ngày, ngoài việc chăm lo cho trẻ, các cô ở trung tâm còn phải làm thêm nhiều việc như làm bao bì giấy carton cho các cơ sở có nhu cầu, làm đèn cầy bán, bán nhang, bán chuỗi hạt để kiếm thêm chi phí nuôi dưỡng cho các bé.

Cô Từ Thảo tâm sự thêm rằng: “Điều mà tôi cho là khó nhất đó là vấn đề giáo dục. Vật chất thì có thể thu xếp ổn thỏa nhưng việc nuôi dưỡng những tâm hồn đã có “vết hằn” thì không phải dễ. Đến khi nào các cháu có thể tự tin trong cuộc sống, không bao giờ lạc lối trong tương lai thì việc tôi làm hôm nay mới thật sự có kết quả. Tôi xin cảm ơn những nhà hảo tâm, những người tốt đã dành những gì tốt đẹp nhất, yêu thương nhất để cùng chúng tôi nuôi dạy các cháu”.

Ngoài công việc của một trụ trì và chăm sóc cho đàn con với bao vất vả, nhọc nhằn, tốn kém từ tiền ăn đến tiền học, Ni sư Thích nữ Từ Thảo còn dành tâm nguyện cho việc đóng góp vào thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Bình Dương. Cô hiện là Trưởng ban Tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh. Chùa Bồ Đề Đạo Tràng cũng được xây dựng khang trang với Chánh điện, tượng Phật… với kinh phí trùng tu, xây dựng khoảng 20 tỷ đồng. Hy vọng, tất cả sẽ là bóng mát trong lành cho những ai bất hạnh cần được giúp đỡ, cần nơi nương tựa trong cuộc đời này…

 QUỲNH NHƯ