Trung tâm nguyên phụ liệu Liên Anh: Đứng dậy sau những ngày “giông tố”
Vượt qua khó khăn, Trung tâm nguyên phụ liệu Liên Anh (TX.Dĩ An) đã chính thức hoạt động trở lại sau khi hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất nguyên phụ liệu vùng Toscana, Florence (Ý). Mặc dù vẫn còn rất nhiều thử thách phía trước, nhưng đây là một bước khởi động quan trọng tạo tiền đề để Trung tâm nguyên phụ liệu Liên Anh phát triển trong thời gian tới.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Doanh nghiệp FDI không muốn tham gia thị trường nội địa
Theo bà Trương Thị Thúy Liên, hiện có đến 90% nguồn NPL trong nước nằm trong tay các DN FDI. Trong khi chúng ta muốn kết nối với họ thì không nhận được sự hợp tác, cho dù chúng ta có tiền họ cũng không bán. DN FDI không muốn tham gia thị trường nội địa, bởi khi thành lập công ty ở Việt Nam họ đã có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, nếu DN FDI tham gia thị trường nội địa thì phải thực hiện chính sách thuế VAT, trong khi cung ứng cho các DN xuất nhập khẩu thì họ không phải nộp khoản thuế này. Về giá cả, do họ chỉ cung ứng cho DN nước ngoài, thanh toán với nước ngoài, nên chúng ta không thể nắm chính xác được giá thật của họ. Một khi tham gia thị trường nội địa, bắt buộc họ phải đưa ra giá thật và có thể bị áp thuế nặng hơn. Như vậy, chính sách thuế đã vô tình tiếp tay cho DN FDI trốn thuế và làm cho ngành NPL Việt Nam không phát triển được.
Năm 2009, Trung tâm nguyên phụ liệu (NPL) Liên Anh, chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày đi vào hoạt động sau 2 năm xây dựng, vốn đầu tư 12 triệu USD. Đây là trung tâm có cơ sở hạ tầng hiện đại, rộng lớn nhất nước, lại nằm ngay Dĩ An, khu vực được xem là trung tâm của ngành da giày và dệt may phía Nam. Trung tâm NPL Liên Anh ra đời được kỳ vọng là sẽ góp phần rất lớn vào việc cung cấp nguồn NPL, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ gia công và tăng sản xuất hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) của hàng dệt may, da giày Việt Nam trong tương lai.
Khách hàng tham quan Trung tâm NPL Liên Anh trong ngày khai trương trở lại
Tuy nhiên, vừa ra đời chưa được bao lâu, Trung tâm NPL Liên Anh đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn do không có khách hàng, trong khi lãi suất tiền vay để xây dựng vẫn phải trả hàng ngày. Trước những khó khăn đó, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (chủ đầu tư) đã có bản kiến nghị 10 điểm gửi tới Bộ Công Thương; kiến nghị gửi tỉnh Bình Dương... Nhiều đoàn chức năng từ địa phương tới Trung ương và các hiệp hội cũng đã đến làm việc nhằm phối hợp tìm lối ra cho trung tâm NPL này, nhưng mọi chuyện vẫn dẫm chân tại chỗ. Thời đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu từng có những gợi mở như Bình Dương cần vào cuộc, có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, đề nghị Vinatex phối hợp tháo gỡ khó khăn; hiệp hội dệt may, da giày cần vận động hội viên và doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, đưa hàng mẫu đến giới thiệu; Vinatex có thể mua cổ phần để cùng Công ty Liên Anh vực dậy trung tâm này. Về phía ngành chức năng, ông sẽ chỉ đạo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) ra thông báo kết luận để phối hợp triển khai một số nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, trong đó có tổ chức triển lãm tại trung tâm của Liên Anh... Song, tất cả đều không giúp được trung tâm bật dậy như mong muốn, trong khi chủ đầu tư thì đứng bên bờ vực phá sản!
Đứng dậy sau “giông tố”
Bà Liên tâm sự: “Sau thất bại lần đó tôi rất buồn, nhưng trong đầu tôi vẫn luôn day dứt với ý tưởng phát triển trung tâm NPL phục vụ ngành dệt may và da giày, nhất là sau khi trả xong khoản nợ 40 tỷ đồng cho Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương. Hiện nay, “giông gió” đã đi qua và không phải lo lắng về vấn đề tài chính nên tôi quyết định làm lại, không vì khó khăn mà lùi bước. Để trung tâm NPL tiếp tục phát triển chúng tôi đã đàm phán với các doanh nghiệp (DN) của Ý từ một năm rưỡi qua, đến nay mới đi tới việc hợp tác cùng nhau phát triển trung tâm. Trước mắt chỉ có 15 DN của Ý tham gia, nhưng họ cam kết trong tương lai sẽ có thêm nhiều DN nữa tham gia, không chỉ riêng DN vùng Toscana mà còn cả những vùng khác thuộc Ý”.
Trả lời câu hỏi vì sao chọn các DN của Ý để hợp tác, bà Liên cho hay các DN Ý đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam vì ngành giày da của Ý giờ đây không thể phát triển được do chi phí ở nước này quá cao. Hơn nữa, quy mô đa số các DN của Ý đều ở dạng vừa và nhỏ, mỗi DN chỉ từ 50 - 70 công nhân nên rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Mặc dù quy mô nhỏ, nhưng công nghệ của các DN Ý rất cao, chất lượng sản phẩm cũng vậy.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, mặc dù năm 2011-2012 các DN ngành giày da gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, lượng NPL của các nước nhập về Việt Nam giảm, nhưng ngược lại nguồn NPL nhập từ Ý lại tăng đột biến với khoảng trên 200%. Điều đó cho thấy, Trung tâm NPL Liên Anh hợp tác với các DN Ý để cung cấp nguồn NPL cho ngành da giày là phù hợp trong thời điểm hiện nay. Ngoài việc thị trường của Việt Nam tăng dần nguồn NPL nhập từ Ý thì nguồn NPL nhập từ Trung Quốc cũng đang ngày càng bị các DN Việt Nam giảm dần mức vì giá thành sản phẩm làm ra thấp, tiêu hao nhiều NPL và tốn nhiều nhân lực để hoàn thành sản phẩm, đó là chưa kể sản phẩm bị sửa chữa nhiều lần. “Trong khi đó, sử dụng nguồn NPL của Ý, DN giảm được chi phí cho quá trình sản xuất (chi phí tiêu hao NPL và lao động để hoàn thành sản phẩm ít hơn). Những yếu tố về giá thành sản phẩm, định mức tiêu hao NPL và nhân lực đã bù đắp cho giá thành cao của nguồn NPL nhập từ Ý. Chúng tôi cũng sẽ tư vấn cho DN Ý về thị trường Việt Nam để có giá cả hợp lý hơn”, bà Liên cho biết.
- Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam: “Không nên mạnh về diện rộng mà nên mạnh về chiều sâu”
Hiện tại Việt Nam có khoảng 700 DN da giày, mỗi năm xuất khẩu khoảng 700 triệu đôi. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa NPL trong nước mới chỉ đạt khoảng 40 - 65%. Về Trung tâm NPL Liên Anh, bên cạnh các hoạt động tại trung tâm thì công việc giao tiếp, thông tin phải thật tốt, tức bất kỳ trang web nào về ngành giày mở lên đều biết đến Trung tâm NPL Liên Anh. Bên những sản phẩm sờ nắm được ở trung tâm, phải có trang web điện tử, trong đó tất cả những vật tư gì ở trung tâm có là trang web có để DN chỉ cần ngồi ở nhà cũng nhìn thấy chứ không nên bắt họ phải đến trung tâm hỏi có NPL này nọ hay không. Vật tư của Trung tâm NPL Liên Anh cũng phải đủ để người ta lựa chọn nên cần chọn từng chủng loại để đi sâu, ví dụ nói đến da thì nơi đây có cả ngàn loại da đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà sản xuất. Lần này, tôi thấy trung tâm đã có dấu hiệu đi vào chiều sâu lĩnh vực da giày. Tôi cũng từng nói, không nên mạnh về diện rộng mà nên mạnh về chiều sâu.
- Ông Federico Bechini, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất NPL vùng Toscana (Ý): “Chúng tôi cam kết cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho DN Việt Nam...”
Bên cạnh cung cấp NPL, các DN Ý cam kết sẽ cung ứng các dịch vụ nhằm nâng cao dần chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm cho DN Việt Nam, tức đào tạo và tư vấn về kỹ thuật. Ở Ý, các DN trong ngành giày da có sự liên kết rất tốt, mỗi DN sản xuất một chi tiết nhỏ để kết hợp lại tạo thành sản phẩm hoàn thiện, trong đó có cả khâu thiết kế. Khi hợp tác với Trung tâm NPL Liên Anh, chúng tôi cũng đã nhìn thấy tiềm năng ở đây. Mỗi khi có đơn hàng, chúng tôi sẽ gửi sang Ý, sớm nhất là trong vòng 7 ngày các DN Ý sẽ đáp ứng nhu cầu. Mọi vấn đề thắc mắc liên quan đến giày da, các DN Việt Nam có thể liên hệ với chúng tôi bất cứ lúc nào.
T.ĐỒNG (ghi)
TRUNG ĐỒNG