Trung tâm Hành chính công: Nỗ lực hoàn thành công tác chuyên môn

Chủ nhật, ngày 08/07/2018

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Hành chính công (TTHCC) đã có nhiều nỗ lực về công tác chuyên môn, tích cực tham mưu Sở Nội vụ, UBND tỉnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó điểm nhấn là thực hiện tốt việc điều tra xã hội học đo lường hài lòng năm 2018, tham mưu cho Hội đồng thẩm định, đánh giá công nhận kết quả Chỉ số CCHC năm 2017…

(BDO)

 Thành viên đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của Sở Thông tin - Truyền thông, TTHCC, Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện dịch vụ tiếp nhận và trả hồ sơ qua đường bưu điện tại các bưu cục trong 6 tháng đầu năm 2018

 Hoàn thành tốt vai trò tham mưu

Trong 6 tháng qua, TTHCC đã hoàn thành tốt các mặt công tác, nhất là vai trò tham mưu cho Sở Nội vụ, UBND tỉnh về nhiệm vụ CCHC. Trung tâm đã hoàn thành nhiệm vụ khi trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Về chỉ số hài lòng, đối với cấp tỉnh, các điều tra viên đang tiến hành điều tra đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của 18 sở, ban, ngành. Tính đến nay, các điều tra viên đã thực hiện được 1.301/2.750 (chiếm 47,3%) phiếu điều tra. Đối với cấp huyện và cấp xã, trung tâm đang tiến hành chuẩn bị việc nhận bàn giao phiếu điều tra đợt 1 từ Bưu điện tỉnh theo kế hoạch.

Hiện tại, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1504/QĐ- UBND ngày 5-6-2018 về việc bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) đã được công bố tại Quyết định số 334/QĐ- UBND và Quyết định số 335/ QĐ-UBND ngày 5-2-2013 về việc công bố bộ TTHC chung áp dụng tại cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đến hết tháng 6-2018, có 15/20 sở, ban, ngành đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố bộ TTHC mới gồm 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Những bộ TTHC được công bố này, trung tâm đã thực hiện công khai TTHC bằng hình thức đóng cuốn trên các kệ thông tin và in treo trên các bảng thông tin tại trung tâm. Ngoài ra, trước quầy giao dịch của các sở, ngành, trung tâm đã bố trí 1 bộ TTHC để phục vụ nhu cầu tra cứu, cung cấp thông tin cho cán bộ, công chức “một cửa” cấp tỉnh, người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện TTHC.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trung tâm đã tham mưu Sở Nội vụ ban hành văn bản về việc rà soát, cập nhật, công khai TTHC trên Trang thông tin hành chính công năm 2018 và văn bản thực hiện xây dựng bản tin, tin bài điện tử nhằm tuyên truyền nội dung về CCHC, hành chính công của tỉnh đến cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 6-2018, trung tâm đã ban hành công văn về việc thực hiện quy chế văn hóa công sở và tình trạng tiếp nhận, giải TTHC tại TTHCC. Cùng với các nhiệm vụ khác, trung tâm đã góp ý cho Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất và hoàn thiện dự thảo “Đề án thành lập công khai và vận hành đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương”.

Tăng cường công tác giám sát

Ông Trương Công Huy, Giám đốc TTHCC cho biết, trong tháng 6-2018, hệ thống phầm mềm một cửa cấp tỉnh hoạt động tương đối ổn định. Trung tâm thường xuyên phối hợp với nhân viên kỹ thuật Công ty Hệ thống thông tin FPT để kịp thời xử lý các lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng phần mềm một cửa, điều chỉnh phân quyền các tài khoản, chỉnh sửa và tạo mới quy trình TTHC theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường). Tính đến nay, việc thí điểm sử dụng phần mềm “một cửa” cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ của 74 TTHC trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư song song với phần mềm chuyên ngành của bộ. Trong tháng 7-2018, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai tiếp nhận hồ sơ đối với những lĩnh vực còn lại trên phần mềm “một cửa” cấp tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các sở, ban, ngành tại TTHCC đã tiếp nhận và giải quyết 47.298 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn 41.766 hồ sơ (tỷ lệ 94,45%); giải quyết quá hạn 2.454 hồ sơ (tỷ lệ 5,55%); chưa giải quyết trong hạn 2.751 hồ sơ (tỷ lệ 89,38%); chưa giải quyết quá hạn 327 hồ sơ (tỷ lệ 10,62%). Hồ sơ tiếp nhận và giải quyết ngay trong ngày đối với thủ tục thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại của Sở Công thương là 2.234 hồ sơ (tỷ lệ 4,72%). Trong 6 tháng qua, các sở, ban, ngành có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và đã giải quyết đúng hẹn đạt 100% là Sở Thông tin và Truyền thông. Một số sở, ngành có số hồ sơ tiếp nhận và đã giải quyết trễ hẹn nhiều gồm: Sở Y tế có 689 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 53,62%); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 526 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 14,83%); Sở Tư pháp có 322 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 10,08%) và Sở Xây dựng có 93 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 14,55%). Ngoài ra, một số sở, ban, ngành trong 6 tháng đầu năm có nhiều hồ sơ đã trễ hẹn nhưng vẫn chưa giải quyết gồm: Sở Tư pháp (94 hồ sơ); Sở Xây dựng (44 hồ sơ); Sở Y tế (38 hồ sơ); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (34 hồ sơ); Sở Công thương (28 hồ sơ) và Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương (14 hồ sơ).

Theo ông Trương Công Huy, số hồ sơ trễ hẹn như vậy là tương đối lớn, ảnh hưởng đến quá trình CCHC của tỉnh. Để hạn chế số hồ sơ trễ hẹn nhiều, hiện tại, trung tâm đã tăng cường công tác giám sát, đôn đốc các sở, ngành tích cực giải quyết hồ sơ đúng hẹn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành nhiệm vụ về CCHC theo hướng tích cực, minh bạch, hiện đại. Cùng với nhiệm vụ giám sát, trong 6 tháng cuối năm 2018, trung tâm sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn; tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó là xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát CCHC năm 2018 đối với một số cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh; phối hợp triển khai thu phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua Ngân hàng Vietinbank và thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua Bưu chính giai đoạn 2.

 HỒ VĂN