Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật tỉnh: Mái nhà chung của những số phận không may

Thứ tư, ngày 01/08/2012

Với mục tiêu cung cấp những kiến thức cần thiết về chuyên môn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật (NKT), giúp những người kém may mắn có cơ hội ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh (TT) đã trở thành mái nhà chung của rất nhiều số phận không may, họ đã đến đây và tìm thấy sự yêu thương, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ...  Phòng may của Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật được đầu tư hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy cho NKT

Từ khi thành lập đến nay, TT đào tạo được 6 khóa học với hơn 500 học viên (HV). Trung bình mỗi khóa, TT đào tạo được 80 - 110 HV có tay nghề, trong đó khoảng 80% HV đã được giới thiệu và tìm được việc làm ổn định. Bên cạnh đó, TT còn liên kết với nhiều cơ sở mây, tre đan trên địa bàn nhằm giới thiệu việc làm cho các HV khi ra trường. Với mục tiêu cung cấp những kiến thức cần thiết về chuyên môn và giới thiệu việc làm cho NKT, giúp những người kém may mắn có cơ hội ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, TT đã trở thành mái nhà chung của rất nhiều số phận không may, họ đã đến và tìm thấy sự yêu thương, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Nhưng, quan trọng nhất là họ tìm thấy giá trị đích thực trong câu nói “tàn nhưng không phế”. Ở nơi đây, với sự kèm cặp, giúp đỡ nhiệt tình của các giáo viên, các HV đã và đang nỗ lực chiến thắng bản thân, chiến thắng số phận.

Ông Phan Thanh Minh - Giám đốc TT cho biết: TT luôn chú trọng phát triển đào tạo các ngành nghề phù hợp đặc điểm của NKT và nhu cầu việc làm của HV sau khi mãn khóa học như các nghề tin học, in lụa, may, dệt, điện cơ, điện tử, cắt uốn tóc... Bên cạnh đó, TT còn thường xuyên cải tạo phòng ốc, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ dạy nghề nên chương trình đào tạo ngày càng mở rộng và chuyên sâu, đến nay TT đã đào tạo 7 nghề đáp ứng nhu cầu của người học nghề. Hiện tại, chúng tôi vừa đầu tư xây dựng một phòng máy may với trang thiết bị hiện đại, qua đó có thể giúp các HV tiếp cận tốt hơn với việc học tập và cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện hơn...

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên của TT cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, tận tâm, yêu nghề và thường xuyên được tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tâm lý giao tiếp với NKT. TT đã khuyến khích giáo viên thường xuyên cải tiến phương pháp giảng dạy giúp NKT được học tập trực quan phù hợp với nhiều trình độ, nhiều dạng tật nhất là những em khiếm thính bằng cách biên soạn giáo án điện tử đối với các bộ môn nghề như tin học, điện cơ, điện tử... đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Trong niên học 2011-2012, số HV giảm 22 em với nhiều nguyên nhân nhưng nhiều nhất là do sức khỏe các em bị hạn chế, tự thôi học vì không quen xa gia đình hay một số đang học tìm được việc làm thích hợp... Đến cuối khóa học, tỷ lệ xét đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp khóa VI là 56 HV (trong đó giỏi 12, khá 23, trung bình 19, yếu 2). Hội đồng đã xét tốt nghiệp cho 16 HV (giỏi 6, khá 9, trung bình 1). Trong niên học mới 2012-2013, TT đã thống nhất chỉ tiêu cho từng ngành học với tổng số HV dự kiến cho 7 lớp: điện tử, điện cơ, in lụa, may, dệt, tin học và cắt tóc là 100 HV.

Cô Đặng Thị Minh Thu - Trưởng phòng Đào tạo nghề của TT cho biết: Trong niên học 2012-2013, do số lượng HV thiểu năng chiếm hơn 50%, vì vậy công tác đào tạo gặp nhiều thử thách hơn so với các năm trước. Để chuẩn bị tốt cho công tác giảng dạy, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên của TT nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tâm lý giao tiếp với NKT, đặc biệt là người khiếm thính...

Với phương châm luôn chú trọng gắn lý thuyết với thực hành, gắn dạy nghề với tổ chức giải quyết việc làm cho NKT sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ HV khuyết tật học nghề tại TT tìm được việc làm đạt gần 80% trên tổng số tốt nghiệp. Trong đó có những HV đã tìm được những công việc ưng ý, phù hợp với bản thân như Nguyễn Văn Dáng, Vũ Thị Xuân (in lụa) đang làm gia công y tế với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng; vợ chồng HV Nguyễn Thị Thảo - Nguyễn Văn Thiện mở tiệm may và sống ổn định tại xã Bình Mỹ (Tân Uyên)...

Bên cạnh việc đào tạo nghề, TT còn tích cực vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước cùng chung tay để chăm lo cho NKT như: trao tặng xe lăn, xe lắc, tổ chức bếp ăn, chương trình đồng hành cùng NKT tại cộng đồng... Ngoài ra, TT còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như chương trình “Xuân yêu thương” vào dịp đón tết cổ truyền; “Giao lưu văn nghệ” mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu 2011; tham quan dã ngoại Suối Tiên nhân ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3-12... nhằm giúp các HV khuyết tật có điều kiện tiếp cận và tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng. Em Nguyễn Văn Ngào - HV tại TT xúc động nói, nhờ có TT mà chúng em đã được trang bị nghề nghiệp và nghị lực trong cuộc sống, để có thể phấn đấu trở thành người hữu ích, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội...

Mặc dù vẫn còn có những khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động, nhưng Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật vẫn luôn phấn đấu để thực hiện tốt công việc và hoàn thành trọng trách được giao. Nhiệm vụ trọng tâm của TT trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng khâu tìm đầu ra cho sản phẩm và liên kết với nhiều doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho các HV. Đồng thời, TT sẽ tiếp tục kêu gọi lòng hảo tâm của các tổ chức, đơn vị, đoàn thể nhằm mở rộng nguồn kinh phí góp phần phục vụ tốt hơn trong công tác đào tạo và bảo trợ cho NKT.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Quốc Bình:

Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật cần phát huy hơn nữa khả năng của mình trong công tác đào tạo và tìm việc làm cho học viên. Đặc biệt, đối với các học viên đã tốt nghiệp trở về nhà, cần theo dõi kỹ, quản lý toàn xã hội đối với các đối tượng này nhằm có những biện pháp giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, chăm sóc nhiều hơn đến con em mình, phải thấu hiểu các em, không nên phó mặc mà phải phối hợp cùng xã hội đào tạo, dưỡng dục các em vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích...

 B.Minh - H.Chiếu