Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh: Vượt khó dạy nghề, tạo việc làm
(BDO) Do nhiều nguyên nhân khách quan, việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Đối mặt với những khó khăn thách thức đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh đã nỗ lực vượt qua với mục tiêu trang bị kiến thức nghề và giới thiệu việc làm cho NKT, giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.
Lớp may, một trong những nghề dễ tạo việc làm cho học viên khuyết tật
Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh hiện đang đào tạo khoảng 70 học viên, trong đó có 40 em đang theo học nội trú. Trung tâm hiện đang đào tạo và thường xuyên chiêu sinh các lớp nghề như: May dân dụng - công nghiệp, tin học (căn bản, đồ họa,…), dệt cocoro, cơ điện, điện tử, in lụa và cắt uốn tóc nam, nữ. Các em học viên ở đây mắc đủ dạng khuyết tật nhưng nhiều nhất là các em thiểu năng trítuệ.
Để đào tạo nghề cho một học viên khuyết tật quả là điều không đơn giản vì phần lớn các em đều mang tâm lý nhút nhát, rụt rè, tựti mặc cảm, hơn nữa trình độ văn hóa các em còn hạn chế nên rất khó tiếp thu… Tuy gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi học viên, sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ giáo viên đứng lớp, thầy trò trung tâm đã vượt qua tất cả hướng đến mục tiêu chung là trang bị nghề và tạo việc làm cho các em. Mỗi khóa học của các em được tính là 11 tháng, nhưng đa số để các em nắm vững kiến thức phải cần khoảng thời gian dài hơn.
Cô Nguyễn Thị Lợi, giáo viên dạy lớp may chia sẻ, lớp may của cô hiện có10 học viên (các em bị khiếm thính, thiểu năng, tật chi), để truyền dạy nghề cho các em giáo viên phải trải qua rất nhiều khó khăn, có nhiều lúc mệt mỏi nhưng mỗi khi nghĩ đến các em khuyết tật lại thấy thương. Bây giờ người biết nghề may không thiếu nhưng mấy ai có kinh nghiệm dạy nghề cho các em NKT nên cô lại động viên mình gắn bó với trung tâm, lại chỉ bảo các em bằng tình thương, bằng tâm huyết của mình. Học viên của cô giờ có nhiều em mở được tiệm may riêng, số khác được vào công ty làm việc, đó là niềm vui rất lớn đối với những người giáo viên giàu lòng nhân ái, nhiệt huyết nơi đây.
Theo ông Nguyễn Cường, Trưởng phòng đào tạo của trung tâm, để dạy nghề cho NKT đã khó, còn tìm được việc làm phù hợp cho họ còn khó hơn nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với trung tâm nhận các em học viên khi hoàn thành chương trình học vào làm việc như Công ty Cổ phần may Ngọc Phước (quận 12, TP.Hồ Chí Minh), Cơ sở Mây tre lá Trung Tre (Hòa Lợi, TX.Bến Cát), Công ty mái ấm Thành Đạt (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh)… Ngoài ra, để tạo thêm việc làm cho NKT, hướng mới của trung tâm là tạo việc làm tại chỗ, hiện nay trung tâm đã tạo việc làm tại chỗ cho học viên như làm tăm bông, làm nắp chai nước tương, may gia công đồng phục.
ĐỨC LÊ