Trung tâm Công nghệ thông tin – Lưu trữ Tài nguyên và Môi trường: Luôn bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ

Thứ năm, ngày 16/06/2016

(BDO) Sau nhiều năm triển khai thực hiện chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; thu thập quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường (TN&MT) trên địa bàn Bình Dương, Trung tâm Công nghệ thông tin - Lưu trữ TN&MT trực thuộc Sở TN&MT (gọi tắt là Trung tâm) đã và đang lưu trữ và bảo quản hơn 40.000 tờ bản đồ các loại tỷ lệ gần 2.200m giá tài liệu.


Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin - Lưu trữ TN&MT sẵn sàng đón nhận về khai thác và sử dụng tài liệu khi công dân có yêu cầu

Hầu hết tài liệu là những hồ sơ, tài liệu chuyên môn của các phòng, đơn vị nghiệp vụ. Không chỉ thế, hàng năm, trung tâm cũng tiếp tục thu thập từ các đơn vị và bảo quản hơn 300m giá tài liệu, chủ yếu là những tài liệu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành TN&MT và khối tài liệu hành chính. Ông Đỗ Văn Hiển, Trưởng phòng dữ liệu và lưu trữ của trung tâm cho biết, đây là những hồ sơ, tài liệu rất có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được sản sinh trong quá trình hoạt động của cơ quan; là căn cứ xác nhận sự việc đã xảy ra được lưu trữ lại để tra cứu, sử dụng khi cần thiết. Tài liệu ngành TN&MT lại càng quan trọng hơn, vì đó là nguồn tài liệu khẳng định quyền sử dụng đất hợp pháp, giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện để Nhà nước nắm chắc quỹ đất, phục vụ tốt hơn công tác quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng sai mục đích tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai và các lĩnh vực khác thuộc ngành TN&MT.

Nhằm quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu TN&MT phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng trước mắt và lâu dài, thời gian qua, trung tâm đã phục vụ cung cấp hơn 1.000 phiếu yêu cầu, với tổng số tài liệu được sao chụp lên đến hơn 40.000 trang. Song song đó, công tác cung cấp thông tin từ hồ sơ lưu trữ luôn đạt tỷ lệ 100% đúng hạn; trong đó tỷ lệ hồ sơ phục vụ công tác quản lý nhà nước thường chiếm trên 70% hồ sơ yêu cầu; kế đến là hồ sơ phục vụ tranh chấp giải quyết khiếu nại tố cao của các cấp chiếm khoảng 20%; còn lại là cung cấp cho các mục đích khác như điều chỉnh giá thuế đất, chỉnh lý biến động, quy hoạch...

Cung cấp thông tin là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý dữ liệu nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người yêu cầu cung cấp. Vì vậy, lúc nào cũng vậy, trung tâm luôn làm tốt vai trò, nghĩa vụ của cơ quan quản lý dữ liệu nhằm phục vụ tốt nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu TN&MT cho mọi đối tượng có nhu cầu, sẵn sàng đón nhận và phục vụ các tổ chức, công dân đến khai thác tài liệu, cung cấp số liệu chính xác, kịp thời. Số liệu phản ánh qua tài liệu lưu trữ tại trung tâm là bằng chứng, cơ sở để các tổ chức và công dân phục vụ nhu cầu mục đích chính đáng của mình. Mặt khác, những tư liệu của quá khứ thông qua tài liệu lưu trữ là cẩm nang không thể thiếu được để các nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân đến khai thác tài liệu lưu trữ đạt kết quả cao, trung tâm cũng đã tham mưu xây dựng quy chế, nội quy sử dụng khai thác tài liệu cụ thể, rõ ràng, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001-2008 vào quy trình khai thác và tuân theo quy trình thủ tục hành chính được Nhà nước quy định, quan tâm đến nghiệp vụ hoạt động của công tác lưu trữ như thu thập, chỉnh lý, bảo quản hay ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lưu trữ... Mỗi cán bộ, nhân viên luôn đổi mới tác phong, nâng cao hiệu quả công tác phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy theo tinh thần Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 2-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

 P.V