Trung Quốc: Sân trường không bình yên

Chủ nhật, ngày 16/05/2010

Từ tháng 3 tới nay, các vụ tấn công hàng loạt tại Trung Quốc đã trở thành sự kiện báo động. Nạn nhân hầu hết là học sinh và nhiều trường hợp là người thân của hung thủ. Trước tình trạng đó, Trung Quốc vừa đưa ra nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, đặc biệt đối với hơn  270 triệu sinh viên, học sinh.

 

Đa số nạn nhân là học sinh

 

Dư luận Trung Quốc chưa hết bàng hoàng về những vụ giết người hàng loạt mới đây, thì ngày 12-5 lại xảy ra một vụ tấn công trẻ em kinh hoàng ở Thiểm Tây. Theo THX, Wu Huanmin, một người đàn ông 48 tuổi đã dùng dao phay giết 7 trẻ em (5 trai, 2 gái) và một giáo viên phụ trách nhà trẻ ở làng Linchang phía Tây Bắc tỉnh Thiểm Tây. Người đàn ông này sau đó đã về nhà tự sát. Ngoài ra, còn có 11 trẻ em và 1 người lớn bị thương, trong đó có 2 trẻ đang trong tình trạng nguy kịch. Chưa rõ động cơ của vụ tấn công là gì.

 

Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Zhao Leji đã kêu gọi toàn bộ các địa phương đẩy mạnh công tác an ninh. Đây là vụ tấn công giết người hàng loạt thứ tám tại Trung Quốc và là vụ tấn công vào trường học thứ năm kể từ cuối tháng 3 tới nay, bất chấp nhiều biện pháp tăng cường an ninh ở trường học vừa đưa ra cách đây vài tuần.

 

Vụ này xảy ra chưa đầy 2 ngày sau vụ tấn công hàng loạt vào đêm 10-5 cũng tại tỉnh Thiểm Tây. Thủ phạm tên là Song Rong, đã dùng dao đâm chết 2 người phụ nữ và làm bị thương 7 người khác, trong đó có cả trẻ em. Y đã đột nhập vào nhiều ngôi nhà trong làng và đâm bất cứ ai tình cờ gặp được. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới 2 tuổi.

  

Cảnh sát Trung Quốc bảo vệ tại cổng trường.

Các nguồn tin ban đầu cho biết, thủ phạm luôn gây sự với láng giềng. Hàng xóm đã từng chứng kiến y hay đánh đập người thân trong nhà. Cha của thủ phạm đã phải bỏ nhà đi và từng khuyên vợ con thủ phạm nên tránh xa khỏi người chồng, người cha bạo lực. Trước đó 1 ngày, tức ngày 9-5, một người đàn ông đâm chết 8 người, trong đó có mẹ, vợ và con gái tại tỉnh Giang Tây, Đông Nam Trung Quốc. Trong số nạn nhân còn có 4 người láng giềng và một công nhân nhập cư. Nguyên nhân vụ giết người này vẫn chưa được xác định.

 

Một trong các vụ tấn công dã man nhắm vào học sinh xảy ra đầu tháng 5 khi một chủ trại dùng búa lao vào một trường tiểu học thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc gây án trước khi tự thiêu, khiến một giáo viên và năm học sinh bị thương.  Trước đó, hôm 28-4, một người thất nghiệp, trong một cơn giận dữ, đã dùng dao mổ lợn đâm 29 trẻ em và ba người lớn, tại một nhà trẻ ở một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô.  Ngày 27-4, một giáo viên 33 tuổi có vấn đề tinh thần, đang trong thời gian nghỉ ốm, đã dùng dao làm bị thương 15 học sinh và một giáo viên, tại một trường tiểu học thuộc tỉnh Quảng Đông. Cũng trong ngày 27-4, chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã hành quyết một cựu bác sĩ vì tội đâm chết 8 trẻ em và làm bị thương năm người khác hôm 23-3, sau khi nổi cơn giận dữ với bạn gái.

 

Giống như nhiều vụ tấn công khác, vị bác sĩ này, ông Zheng Minsheng cho biết ông còn dự định đâm tới 30 trẻ em. Zheng khai trước tòa án rằng ông chỉ muốn làm một người bình thường nhưng đã thất bại. Ông cảm thấy cuộc đời vô nghĩa vì không thể cưới vợ và thường gặp thất bại trong các mối quan hệ với phụ nữ, trong gia đình và cả trong sự nghiệp. Ông cứ lặp đi lặp lại với tòa rằng ông đã bị một phụ nữ từ chối tình yêu và bị gia đình giàu có của cô ta bạc đãi. đó là nguyên nhân chính cho hành động của ông ta. 

 

Ngay sau các vụ tấn công trên chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho cảnh sát trên khắp nước siết chặt an ninh tại các trường học. Bộ Công an Trung Quốc ban bố một mệnh lệnh khẩn cấp, quy định việc trừng trị thẳng tay những kẻ tấn công trẻ em.

 

Thứ trưởng Bộ giáo dục Hao Ping tuyên bố việc tuần tra, bảo vệ an ninh xung quanh các trường học đã bảo vệ 270 triệu học sinh sinh viên là  nhiệm vụ nặng nề. Ngày 1-5, Bộ Giáo dục đã ra công văn khẩn kêu gọi tăng cường an ninh nơi trường học. Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân nói rằng các học sinh cần phải được học các kỹ năng cơ bản để tự vệ và các máy camera sẽ được đặt tại lối vào các trường học để phòng ngừa các vụ tấn công có thể xảy ra. Cảnh sát sẽ tuần ra thường xuyên trước cổng trường, nhất là giờ đến trường và giờ tan học. Các bậc phụ huynh được phép đưa con đến thẳng lớp học. Nhiều trường học không cho phép học sinh rời trường học nếu không có phụ huynh đến đón. 

 

Tại quận Xicheng, Bắc Kinh, 112 trường học và nhà trẻ đã được trang bị bình phòng vệ dùng để xịt vào mặt hung thủ khi bị tấn công cùng với găng tay chống đứt tay.

 

Tại các địa phương, các quan chức giáo dục và cảnh sát sẽ trực điện thoại liên tục để có thể giải quyết ngay các vụ tấn công vào trường học nếu có. Các vụ tấn công này đã cho thấy Trung Quốc, vốn là một đất nước có tỉ lệ bạo lực thấp hơn phương Tây, hiện đang phải đối mặt với các nguy cơ mất an ninh công cộng tăng vọt do những hành vi bạo lực, mà thủ phạm là một vài cá nhân có trạng thái tâm lý bất thường. Trung Quốc từng là nước có tỷ lệ tội phạm thấp, nhưng nay đây lại là chủ đề mà họ phải xử lý hầu như mỗi ngày. 

Giáo sư Zhang Hong thuộc Đại học Công an Trung Quốc phát biểu trên báo China Daily rằng: “An ninh công cộng là một môn khoa học đã bị lãng quên”. Ông dẫn chứng từ sự kiện hàng loạt trường học sập đổ trong vụ động đất ở Tân Cương đến các vụ tấn công gần đây ở trường học, phản ánh các vấn đề về an ninh tại trường học yếu kém.

 

Theo ông, cần bảo vệ học sinh bằng công nghệ, trong đó phải có hệ thống cửa, cầu thang, khóa, cổng và lối đi trước trường học phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sự phối hợp giữa cảnh sát, phụ huynh và học sinh trở thành một hệ thống chặt chẽ, không tạo cơ hội cho những kẻ bất lương ra tay.

 

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác, theo các chuyên gia y tế của Trung Quốc, các địa phương phải tăng cường kiểm soát những người có triệu chứng tâm thần. Theo họ, một người có dấu hiệu tâm thần phải được theo dõi liên tục trong 10 năm, thậm chí kể từ khi còn là trẻ em. Ngoài ra, các tiệm Internet, khách sạn, quán cà phê và các tụ điểm giải trí xung quanh trường học cũng được tăng cường an ninh.

 

Đi tìm nguyên nhân

 

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có làn sóng dâng cao đột ngột về các vụ tấn công như vậy. Ji Jianlin, một giáo sư thuộc khoa tâm thần học của Đại Học Phúc Đán ở Thượng Hải nói các vụ việc mới đây đều có những điểm chung. Ông nói: “Những kẻ tấn công đều là những người thù hằn xã hội. Họ đều muốn báo thù bằng cách tấn công vào những đối tượng non trẻ, yếu đuối”. Phần nào chuyện này phản ứng tâm trạng căng thẳng trong xã hội Trung Quốc đang thay đổi từng ngày.

 

Giáo sư Ji cho rằng, hiện đang thiếu sự hỗ trợ xã hội đối với các đối tượng bị ảnh ưởng tâm lý. Theo ông, trước đây, các công nhân Trung Quốc từng nhận được sự hỗ trợ xã hội từ các tổ chức hay các hội phụ nữ. Nay sự hỗ trợ đó đang giảm dần. Điều này càng đúng trong các thành phố, thị trấn nhỏ. Ở một quốc gia mọi người vốn quen được chăm sóc từ khi chào đời tới khi chết đi, thì sự thay đổi xã hội không chỉ khiến nhiều người mất đi chỗ dựa truyền thống mà còn đẩy nhiều người vào cảnh đói nghèo. Tại nhiều diễn đàn trên Internet, nhiều công dân Trung Quốc cho rằng, đây là kết quả của tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Và hậu quả khó tránh khỏi trong quá trình phát triển của xã hội. Ngay cả các nước giàu như Mỹ cũng thường xuyên xảy ra bạo lực tại nhà trường. Điều này cùng những thay đổi trong cuộc sống khiến nhiều người trở nên cực đoan, tìm đến cách hành xử không kiềm chế.

 

Theo giáo sư Mã Ái chuyên gia về tâm lý tội phạm tại trường Đại học Khoa học chính trị và Luật ở Bắc Kinh, “những kẻ tấn công không mong đợi có thể thoát khỏi bàn tay của cảnh sát do đó hành vi của họ thiên về tấn công mang tính liều chết”. Theo ông, cách tốt nhất để loại trừ hành vi này là loại trừ các yếu tố làm gia tăng căng thẳng tâm lý những kẻ tấn công. Những kẻ tấn công chính là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội khi các chương trình trợ cấp hoặc giáo dục xã hội chưa thể đến với họ như mong muốn, để bù vào hoàn cảnh khó khăn của họ.

 

Các thành viên gia đình tại Trung Quốc thường có khuynh hướng che dấu khi có người mắc vấn đề thần kinh. Điều này một phần khiến cho những kẻ tấn công không được nhận sự trợ giúp trước khi họ có hành vi phạm tội. Người ta cũng đang nghi ngờ chuyện “lây lan” về hành vi tấn công hay nói khác hơn đó là sự bắt chước. Bằng chứng là có tới bốn vụ việc gần đây đều được tiến hành bằng dao. Bất kể nguyên do là gì, cha mẹ của các nạn nhân vẫn đang là người phải trả giá đắt cho những hành vi tội phạm đó. Chính họ đã lên tiếng yêu cầu đảm bảo hơn nữa sự an toàn của con em họ khi đến trường. Theo các nhà nghiên cứu xã hội tại Trung Quốc, khi kinh tế phát triển, tình trạng di dân từ nông thôn về thành thị tăng lên, nhiều người trong số này không thể tìm việc đã trở thành đối tượng rất dễ phạm tội.

 

(THEO SGGP)