Trung Quốc: Biểu tình đòi di dời nhà máy hóa chất
Theo AFP và THX, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa của Trung Quốc đưa tin ngày 14/8, hàng nghìn người dân tại thành phố cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc nước này đã biểu tình để đòi di dời Nhà máy Hóa chất Fujia nằm trong thành phố.
Người dân tham gia biểu tình.
Người biểu tình, phần lớn là thanh niên, đã tụ tập trước tòa nhà trụ sở chính quyền thành phố trong bối cảnh lực lượng cảnh sát thắt chặt an ninh.
Do kinh tế phát triển, trong nhiều thập niên qua, ngày càng có nhiều nhà máy mọc lên, kể cả ở gần các khu dân cư. Điều này trở thành mối hiểm họa đối với môi trường sống của người dân nhiều tỉnh thành Trung Quốc. Theo các nguồn tin địa phương ở Trung Quốc, nhà máy Phó Gia bắt đầu hoạt động từ tháng 6-2009, nhưng tới tháng 4-2010 mới có giấy chứng nhận về an toàn môi trường của cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh Liêu Ninh.
Gần đây, Liêu Ninh cũng đã bị thảm họa tràn dầu. Nhiều bãi biển ở tỉnh này bị ô nhiễm dầu đã làm mất khách du lịch và ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản.
Năm 2007, một nhà máy hóa dầu trị giá 1 tỷ USD trong quá trình xây dựng tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đã bị đình chỉ hoạt động do người dân ngăn cản vì lo ngại ô nhiễm môi trường.
Lo ngại của người dân là có cơ sở vì đã từng xảy ra hàng loạt vụ rò rỉ chất độc và tai nạn từ các nhà máy hóa chất. Cũng theo THX, vào tháng 3-2011, khoảng 20 tấn chất độc acid hydrofluoric đã rò rỉ từ nhà máy ở tỉnh Chiết Giang. Công nhân nhà máy và nhiều cư dân xung quanh đã phải di dời. Ngày 8-8-2011, cũng tại tỉnh này, 7 người đã bị thương do cháy nhà máy hóa chất Tân Đông Phương. Ngày 7-1-2011, 62 công nhân đã ngã bệnh tại nhà máy dược Hoàn Bắc ở tỉnh An Huy sau khi hít phải chất độc phosgene.
Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh các biện pháp an toàn tại nhiều nhà máy hóa chất. Mới nhất, tập đoàn dược phẩm Cáp Nhĩ Tân, một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Trung Quốc vừa bị nhà chức trách tỉnh Hắc Long Giang phạt 1,23 triệu NDT (hơn 191.000 USD) vì gây ô nhiễm môi trường. Tập đoàn này đã xả khí thải không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, bảo quản và đốt chất thải độc hại không đúng cách.
Vụ việc được phanh phui sau khi người dân địa phương phàn nàn về mức độ ô nhiễm môi trường nước và không khí tại khu vực gần nhà máy của tập đoàn này.
Vụ biểu tình nổ ra do người dân ngày càng lo ngại về mức độ an toàn của một nhà máy sản xuất paraxylene thuộc Tập đoàn Fujia. Paraxylene là loại hóa chất dễ cháy có thể gây ung thư thường được sử dụng trong sản xuất màng polyester và vải.
Trước đó, người dân sống gần nhà máy Fujia hôm 8/8 đã buộc phải sơ tán sau khi sóng lớn trong cơn bão Muifa phá vỡ con đê bảo vệ nhà máy và đe dọa phá hủy nhà máy này, gây lo ngại về khả năng rò rỉ chất hóa học độc hại trên.
Các công nhân đã cố tu sửa con đê, song người dân vẫn không hết quan ngại về nguy cơ hóa chất phát tán từ nhà máy tác động đến môi trường và sức khỏe của họ.
THX cho biết ông Tang Jun, Bí thư Thành ủy Đại Liên, và Thị trưởng thành phố Li Wancai đã lên tiếng trấn an người biểu tình và cam kết sẽ di dời Nhà máy Hóa chất Fujia ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, tới đầu giờ chiều cùng ngày, đám đông vẫn chưa chịu giải tán.
Tổng hợp