Trung Nguyên khánh thành nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á
Theo Trung Nguyên, nhà máy cà phê hòa tan thứ hai tại Bắc Giang nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng sử dụng sản phẩm thị trường Trung Quốc.
Sáng 28-3, tại KCN Quang Châu (Việt Yên- Bắc Giang), Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Trung Nguyên khánh thành nhà máy cà phê G7, với số vốn đầu tư hơn 30 triệu USD. Đây là nhà máy thứ hai được Trung Nguyên xây dựng tại Bắc Giang và cũng là nhà máy thứ 5 trong hệ thống nhà máy cà phê hiện đại nhất châu Á của Trung Nguyên, với tổng số vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Theo tập đoàn Trung Nguyên, việc đầu tư xây dựng nhà máy cà phê hòa tan thứ hai tại Bắc Giang nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng sử dụng sản phẩm cà phê G7 của Trung Nguyên tại miền Bắc. Quan trọng hơn nữa là đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Đóng gói sản phẩm cà phê hòa tan G7 Trung NguyênChủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, dự kiến doanh số của Trung Nguyên năm 2012 tại thị trường Trung Quốc là 50 triệu USD, con số này có thể gấp đôi hàng năm là chuyện bình thường nhưng mục tiêu hướng tới của Trung Nguyên là thu được trên đầu người, mỗi người Trung Quốc là 1 USD/năm. Ông Vũ khẳng định mục tiêu này hoàn toàn khả thi bởi sản phẩm G7 đã có được “quyền lực”- được người tiêu dùng tại thị trường này chấp nhận. Vấn đề còn lại là kiểm soát chất lượng ổn định, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối và đối phó với hàng giả, hàng nhái.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, trong 3 cuộc thử mù tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm G7 dẫn vị trí quán quân khi được người tiêu dùng chọn lựa đầu tiên bởi hương vị đậm đà, quyến rũ…
Nhà máy cà phê hòa tan này, có hai giai đoạn đầu tư. Theo đó, giai đoạn đầu, nhà máy tập trung vào công đoạn chế biến và đóng gói thành phẩm với công suất thiết kế hơn 100/tấn/ngày. Giai đoạn thứ hai, Trung Nguyên sẽ đầu tư đầy đủ công nghệ chế biến cà phê hòa tan để đạt hiệu quả tối đa về sản lượng và chất lượng, đáp ứng sự tăng trưởng của thị phần xuất khẩu.
Việc xây dựng nhà máy cà phê hòa tan thứ hai này nằm trong một bước lộ trình hiện thực hóa việc nâng cao giá trị thương hiệu cà phê, thương hiệu nông sản của Việt Nam; đồng thời là một bước tiếp trong Chiến lược chế biến hết cho ngành Cà phê Việt Nam của tập đoàn Trung Nguyên với dự án Cụm ngành cà phê quốc gia. Dự kiến dự án sẽ tạo ra từ 5 triệu- 6 triệu việc làm và mang lại giá trị 20 tỷ USD cho ngành Cà phê Việt Nam trong 15 năm tới.
Theo VOV