Trồng tiêu ghép Amazon: Cẩn trọng vẫn hơn!
(BDO) “Giống tiêu này sống khỏe, phát triển nhanh”, đó là ý kiến của các hộ trồng tiêu ghép Amazon trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có những kết quả kiểm nghiệm thực tế về loại tiêu này từ phía cơ quan chức năng.
Chất lượng giống tiêu ghép Amazon vẫn chưa được kiểm chứng. Trong ảnh: Một hộ trồng thử nghiệm tiêu ghép ở huyện Phú Giáo. Ảnh: C.SƠN
Chất lượng chưa được kiểm chứng
Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng tiêu ở Bình Dương thường bàn với nhau về giống tiêu Amazon cho năng suất, chất lượng cao. Thực tế tại xã An Bình, huyện Phú Giáo - địa phương có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh, hiện đã có một số hộ dân trồng tiêu Amazon. Ở một số xã của huyện Phú Giáo cũng đã xuất hiện nhà vườn ươm loại giống tiêu mới này.
Theo các chủ vườn ươm tiêu, đây là loại tiêu rừng có xuất sứ từ Nam Mỹ, trông khá giống cây trầu nên còn có tên gọi là trầu Nam Mỹ. Dùng cây tiêu này làm gốc để ghép các giống tiêu truyền thống của Việt Nam sẽ cho ra giống tiêu có khả năng chịu ngập úng và kháng nấm bệnh rất tốt; đặc biệt kháng được bệnh tuyến trùng, bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm... Đây là những loại bệnh gây ra nhiều thiệt hại cho người trồng tiêu. Bên cạnh đó, nhờ bộ rễ khỏe nên cây tiêu Amazon hấp thụ dinh dưỡng rất tốt giúp cây phát triển nhanh, tiết kiệm được phân bón nhưng vẫn cho năng suất cao.
Nhờ những đặc tính trên, cây tiêu Amazon chỉ trồng 1 năm đã cho trái bói. Đến năm thứ 3, cây cho thu hoạch ổn định. Còn đối với giống tiêu truyền thống (không ghép) thường ra trái bói vào năm thứ 3 và năng suất ổn định từ năm thứ 5.
Trong vài năm gần đây, nhiều người trồng tiêu ở xã An Bình lao đao vì loại bệnh chết nhanh, nhiều người đã chuyển vườn tiêu sang trồng cao su. Vì vậy, khi nghe đến giống tiêu Amazon có khả năng “triệt” được loại bệnh này, nhất là trong thời điểm giá mủ cao su đang xuống thấp và giá tiêu lên cao như hiện nay, nhiều người đã mua về trồng. Dù chưa biết chất lượng ra sao nhưng nghe thông tin loại tiêu kháng được bệnh chết nhanh là họ thích ngay.
Ông Nguyễn Văn Tuyến ở ấp Bình Hòa, xã An Bình cho biết, trước đây ông trồng đến 700 nọc tiêu truyền thống nhưng bị chết dần chết mòn do bệnh tật. Nghe có giống tiêu ghép sống rất khỏe ông liền mua hơn 100 nọc với giá 18.000 đồng/nọc về trồng thử. Người bán cho ông cam kết cây sẽ sống 100%. Chưa biết năng suất, chất lượng ra sao nhưng nó trị được bệnh chết nhanh là ông rất hài lòng.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, dù đất trồng khá xấu nhưng tiêu giống mới ông Tuyến trồng phát triển rất nhanh và xanh tốt. Tuy nhiên, ông Tuyến cho biết loại tiêu này phải “năng” tưới nước, nếu quá 2 ngày không tưới thì cây tiêu sẽ có biểu hiện kém tươi ngay. Với cây tiêu truyền thống có khi cả tuần không tưới cũng chẳng sao. Vì thế, chưa thể đánh giá đây là giống tiêu cho hiệu quả kinh tế cao được.
Cần cẩn trọng
Dù biết đặc tính vượt trội của loại tiêu này nhưng hiện nhiều người trồng tiêu vẫn thận trọng trong lựa chọn giống tiêu để trồng. Một số người trồng tiêu cho rằng, có thể do hiện nay giá tiêu đang rất cao, cây tiêu ghép lại trị được bệnh chết nhanh nên các chủ vườn ươm tiêu ghép tập trung “quảng bá” về giống tiêu này.
Ông Nguyễn Phong Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành các văn bản cấm ghép, bán, trồng cây tiêu ghép. Tuy nhiên, quan điểm của chi cục là không khuyến khích các hộ dân trồng đại trà loại tiêu này (tiêu ghép Amazon). Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, hiện trên địa bàn xã đã có vài hộ trồng loại tiêu ghép này nhưng mới chỉ dừng ở mức trồng thử nghiệm. “Theo tôi, vùng đất tại xã An Bình không thật sự phù hợp với loại tiêu ghép, vì cây tiêu này cần nhiều nước trong khi đó nguồn nước tưới tại đây chủ yếu là từ giếng khoan, giếng đào. Nếu các hộ dân trồng với diện tích lớn, lượng nước tưới cũng sẽ nhiều. Khi đó lợi nhuận đâu chưa thấy nhưng tiền điện, dầu đã tốn hơn nhiều so với cây tiêu truyền thống. Do vậy, chúng tôi cũng đã có thông báo đến các hộ nông dân là không nên trồng đại trà loại tiêu này”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, một số người bạn của ông khi đến tham quan các vườn tiêu ghép giống Amazon tại Đồng Nai, Đắc Nông đều nói rằng dù đã trồng trên 3 năm nhưng các vườn tiêu vẫn chưa cho thu hoạch, trái với những quảng bá của người bán giống tiêu này là sau 1 năm trồng, tiêu Amazon sẽ có trái bói.
Các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp khuyến cáo, trong lúc cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về giá trị thật, hiệu quả của giống tiêu Amazon người trồng tiêu cần thận trọng lựa chọn trồng loại tiêu này. Nhiều người trồng tiêu thì cho rằng, với các giống tiêu truyền thống, nếu nông dân được tập huấn tốt, vườn cây được chăm sóc khoa học sẽ hạn chế được bệnh tật và phát triển tốt, bảo đảm thu nhập ổn định.
CAO SƠN