Trọng thể buổi lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ 6

Thứ sáu, ngày 22/06/2012

  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, trao giải A cho các tác giả. Kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ 6 năm 2011, tôn vinh 95 tác phẩm xuất sắc thuộc 8 thể loại báo chí.

Phát biểu tại Lễ trao giải Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Đảng và Nhà nước gửi tới đội ngũ làm báo nước nhà lời chúc tốt đẹp nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta tự hào về đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự phát triển của đất nước. Những tác phẩm báo chí được trao giải là những công trình thể hiện tấm lòng, bản lĩnh của các nhà báo chân chính."

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Tổ quốc và nhân dân ta rất anh hùng trong cả giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Đất nước ta ngày càng phồn vinh, tốt đẹp với bề dày truyền thống, lịch sử được cả nhân loại tôn trọng. Lực lượng báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn với lực lượng hùng hậu trên 17.000 phóng viên, biên tập viên, báo chí cách mạng nước ta sẽ ngày càng phản ánh, khai thác và nhân lên những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh lấn át được những thông tin với dụng ý xấu, không chân thực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đội ngũ phóng viên nước nhà cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, bằng tấm lòng và trí tuệ Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, báo chí phải trở thành lực lượng chuyên nghiệp.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Thuận Hữu nhấn mạnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Nhà báo vĩ đại của Việt Nam đã sáng lập báo Thanh Niên ngày 21/6/1925, đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh như ngày nay. Lịch sử 87 năm vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ủng hộ, tin cậy đùm bọc, chở che của nhân dân, đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ những người làm báo cách mạng.

Ôn lại truyền thống vẻ vang đó, ông Thuận Hữu khẳng định những người làm báo hôm nay càng nhận thức sâu sắc hơn sứ mệnh cao cả của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém để cống hiến ngày càng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp và phát triển đất nước…

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, cho biết Giải báo chí quốc gia năm 2011 bước sang năm thứ 6, Ban Tổ chức trao giải cho những tác phẩm xuất sắc của những tác giả-nhà báo chuyên và không chuyên đã vượt qua khó khăn giai khổ, lăn lộn với thực tế cuộc sống, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Các tác phẩm dự Giải là bức tranh phản chiếu đầy đủ, khách quan tình hình đất nước năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ở trong nước cũng như trên thế giới; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự lao động sáng tạo, nỗ lực của toàn dân, đưa đất nước vượt qua khó khăn để tiếp tục tiến lên.

Giải báo chí quốc gia là một sự kiện báo chí lớn, luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới. Tiếp theo thành công của những mùa giải trước, Giải báo chí quốc gia lần thứ 6 năm nay đã thành công tốt đẹp, với số lượng tác phẩm- tác giả và số đơn vị báo chí tham dự cao so với nhiều năm.

Có 1.268 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, được tuyển chọn từ 55 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 62 Liên chi hội, Chi hội trực thuộc và cơ quan báo chí Trung ương. Đây là năm có số Hội địa phương trong cả nước tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Vừa qua, từ 153 tác phẩm báo chí được lựa chọn vào chung khảo, Hội đồng chung khảo đã tuyển chọn được 95 tác phẩm xuất sắc thuộc 8 thể loại để trao giải, gồm: 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 giải Khuyến khích.

Trong số hai giải A, một giải thuộc nhóm tác giả: Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lô Thắng, Việt Anh, Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm phim tài liệu và phóng sự - Liên chi hội Đài Truyền hình Việt Nam) với tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga.” Giải A còn lại của nhóm tác giả: Thùy Vân, Thu Lan, Lê Phúc, Lê Bình (Liên chi hội Đài Tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm: “Chủ quyền Hoàng Sa,Trường Sa, nhìn từ công pháp quốc tế.”.

Các đơn vị, tòa soạn báo thuộc Liên Chi Hội Thông tấn xã Việt Nam đã đoạt 3 giải C, 2 giải Khuyến khích ở các thể loại tin, bài, phỏng vấn và ảnh.

Theo TTXVN