Trồng rau sạch bằng mô hình thủy canh

Thứ hai, ngày 28/11/2011

Học hỏi kiến thức trồng rau thủy canh (TC) tại Thái Lan, anh Hồ Mộng Hải, ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên thử áp dụng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng theo phương pháp TC hoàn toàn tự động là mô hình đầu tiên tại Bình Dương được thiết kế bởi Phân viện Sinh học Đà Lạt, là nơi tổ chức nhiều hội thảo, nơi học tập cho nông dân trong thời gian qua. Vườn rau TC của anh Hải

Mạnh dạn đầu tư

Anh Hồ Mộng Hải sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Uyên, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, anh công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi đi tham quan, học tập mô hình trồng rau TC tại Thái Lan, nhận thấy mô hình hay anh đã mạnh dạn đầu tư trồng thử. Đầu năm 2009, anh hợp tác với Phân viện Sinh học Đà Lạt đầu tư xây dựng nhà kính với diện tích 100m2, trồng thử nghiệm rau muống, rau cải ngọt, cải xanh, xà lách. Sau một tháng chờ đợi, vườn rau đã không “phụ lòng” chủ. Với giá bán rau muống 25.000 đồng/kg, rau cải xanh 25.000 đồng /kg, các loại rau khác giá đều cao hơn 3 lần so với rau trồng thông thường đã đem lại cho anh nguồn lợi nhuận cao.

Anh Đoàn Huỳnh Hưng, người trực tiếp chăm sóc vườn rau cho anh Hải, chia sẻ, để trồng được loại rau TC cần trải qua các công đoạn, như: Sau khi gieo hạt, cây con được 4 ngày tách ra từng cây riêng cho vào các hộp xốp có đục lỗ và cho đất vào sẵn, sau đó cây con phát triển được 6 ngày thì cấy sang một hộp xốp lớn hơn và thả xuống dung dịch nước có hòa lẫn phân để trồng. “Đất trồng rau TC phải được làm từ bột xơ dừa xay nhuyễn. Xơ dừa trước khi đưa vào sử dụng cần ngâm với nước và vôi một tuần để nhả chất chua. Trồng bằng xơ dừa giúp cây bám được trên hộp xốp, nếu trồng bằng đất khi đưa xuống nước đất sẽ rơi ra, cây không bám được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình rau TC thật sự đem lại rất nhiều thuận lợi, không phải tốn công làm đất, không cần tưới, không phải lo lắng đến việc trừ cỏ dại, trừ sâu và các côn trùng có hại trong đất. Hơn nữa khi dùng kỹ thuật TC, cây trồng sẽ có được môi trường sống đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Do vậy, cây sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh có thể trồng liên tục, không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường. Một thuận lợi lớn của kỹ thuật TC là cho phép thiết lập hệ thống nuôi trồng tự động. Khi sử dụng hệ thống tự động, người làm vườn có thể linh hoạt được thời gian chăm sóc cây trồng.

Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình TC, người trồng gặp phải một số khó khăn, vốn đầu tư ban đầu cao do chi phí về trang thiết bị. Người chăm sóc cần có trình độ chuyên môn kỹ thuật để sản xuất có hiệu quả. Trong quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng, thực vật làm thay đổi độ pH trong dung dịch TC, do đó cần phải điều chỉnh pH mỗi ngày. Giá trị pH tối thích từ khoảng 5.8 - 6.5, giá trị pH càng chênh lệch khỏi khoảng này thì mức độ ảnh hưởng không tốt lên hệ thống TC càng lớn. Ngoài ra, những yếu tố thay đổi đột ngột môi trường cũng như việc cung cấp chất dinh dưỡng hay tưới nước không đúng có thể gây ra những triệu chứng rối loạn sinh lý ở cây. Bởi vậy, mỗi ngày cần kiểm tra dung dịch trồng để có biện pháp khắc phục sớm.

Sẵn sàng chuyển giao công nghệ

Hiện anh cán bộ trẻ này đang giới thiệu rộng rãi mô hình, kỹ thuật cho bà con nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp trong và ngoài xã. “Chỉ cần vài m2 trên sân thượng hay ở góc hiên nhà, với phương pháp TC này là gia đình đã có rau sạch để ăn”, anh Hải chia sẻ.

Nhận thấy mô hình trồng rau TC của anh Hải hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã tổ chức buổi hội thảo “Trồng rau theo hướng công nghệ cao” tại vườn rau sạch của anh. Theo ông Lê Hiếu Nhơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phước, mô hình rau TC của anh Hải đã đem lại hiệu quả kinh tế nên Hội Nông dân huyện đã đề nghị nhân rộng mô hình này ra cho bà con nông dân cùng học tập.

Với đầu ra cho loại rau này là “không lo gì vì trồng không kịp bán”! Hiện cơ sở này bỏ hàng cho các siêu thị, các công ty ở Biên Hòa, TP.HCM... Giá rau tuy cao nhưng là rau sạch, ăn rất ngon và có lợi cho sức khỏe đã làm cho người tiêu dùng yên tâm. Riêng cách xây hồ, dựng khung nhà, làm nhà kính... hay tất cả những khâu kỹ thuật liên quan đều được chủ nhân tận tình chỉ bày cho bà con nông dân.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu rau sạch cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, anh Hải đang đầu tư thêm 400m2 diện tích trồng rau. Ngoài làm rau sạch, anh còn nuôi vịt bán trứng với giống vịt ngắn ngày 3,5 tháng.

Với hơn 1.000 con vịt, mỗi ngày anh thu vào hơn 800 trứng. Chi phí nuôi vịt bán trứng giống bằng với nuôi vịt cung cấp trứng thường, bởi vậy bán trứng giống sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Q.Như - T.Lý