Trồng rau an toàn giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo
(BDO) Thực hiện chủ trương khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, mạnh dạn đầu tư sản xuất trồng các loại cây hoa màu phủ bạt cung ứng cho thị trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên. Từ đó, đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Điển hình là mô hình tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập và từng bước vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hướng phát triển phù hợp
THT trồng rau an toàn ở xã Tân Vĩnh Hiệp được thành lập năm 2014, có 9 thành viên tham gia, diện tích canh tác khoảng 10 ha. Khởi đầu mô hình này chỉ có vài hộ gia đình tham gia, bởi nhiều người vẫn còn tâm lý e dè trong sản xuất theo hướng tập thể. Nhưng thông qua công tác tuyên truyền về những quyền lợi khi tham gia, nhất là lợi ích của việc vận động góp vốn lập quỹ xoay vòng, giúp hội viên giải quyết nhanh các khó khăn về vốn, tạo sự tương trợ, đoàn kết nên THT trồng rau an toàn đã thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn hỗ trợ các thành viên trong tổ vay vốn 3 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời kết hợp với Trung tâm dạy nghề đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng rau an toàn, giúp các tổ viên có vốn kiến thức nhất định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu hoạch rau tại Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Tân Vĩnh Hiệp.
Ảnh: Q.NHIÊN
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng đậu bắp đang cho thu hoạch, ông Huỳnh Trung Kiên, Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn xã Tân Vĩnh Hiệp cho biết: “Hiệu quả thể hiện rõ nhất là có nhiều hộ đã thoát nghèo từ mô hình trồng màu, do đó THT luôn duy trì hoạt động hiệu quả để góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tạo ra nông sản an toàn cung cấp cho thị trường. THT luôn được sự quan tâm của địa phương trong tổ chức chuyển giao tập huấn kỹ thuật, tuy nhiên các thành viên còn nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất, hỗ trợ đầu ra sản phẩm ổn định…”.
THT chuyên canh tác các loại rau ăn quả các loại, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, đậu bắp… Bình quân mỗi hộ có diện tích sản xuất từ 1 - 1,5 ha đất thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Rau là loại cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng nhanh, nên người trồng sớm có thu nhập. Sản xuất rau an toàn, tuân thủ đúng quy trình sẽ bảo vệ được môi trường, là một trong những mục tiêu mà các thành viên trong THT hướng đến. Vì thế, mô hình sản xuất rau màu an toàn đã thật sự mang lại hiệu quả, giúp bà con nông dân có dịp học tập, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất, canh tác.
Giảm nghèo hiệu quả
Anh Đỗ Cẩm Tú, thành viên THT cho biết, những năm trước chưa vào THT gia đình thuộc dạng hộ nghèo của địa phương, không có đất để sản xuất. Từ khi tham gia vào THT, được mọi người tạo điều kiện giúp đỡ, anh đã tích lũy cho bản thân những kiến thức bổ ích và áp dụng vào thực tế sản xuất, nhất là trong sản xuất rau an toàn đã cho hiệu quả rõ rệt. Hàng năm, gia đình thu lợi nhuận trung bình khoảng 120 triệu đồng, khi thu hoạch vụ màu xong thì tiếp tục cải tạo đất trồng lại, do đó thu nhập luôn ổn định.
Anh Tú chia sẻ: “Tôi thấy trồng màu rất hiệu quả, thời gian thu hoạch nhanh nên cuộc sống gia đình cũng ổn định… Hơn nữa được sự quan tâm của địa phương trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con có được kiến thức để canh tác hiệu quả, đồng thời với kinh nghiệm tích lũy được bà con luôn chia sẻ với nhau trong việc chọn giống, chăm sóc và trồng theo hướng an toàn nên chất lượng rau màu luôn bảo đảm…”.
Ông Dương Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Vĩnh Hiệp cho biết, THT không những đem lại lợi nhuận cao cho người dân mà còn giải quyết được việc làm, chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả trở thành những mảnh đất đem lại kinh tế cao cho gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất rau quả sạch và an toàn, tuy nhiên, THT vẫn quyết tâm thực hiện và duy trì mô hình sản xuất rau quả sạch, rau quả an toàn gắn với thị trường tiêu thụ. Các cấp, ngành chức năng và địa phương chung tay cùng người nông dân trong việc sản xuất rau quả theo hướng công nghệ cao, đồng thời sẽ làm cầu nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn đến các thị trường lớn hơn, từ đó làm nên thương hiệu cho một vùng sản xuất rau quả. Đó là nguyện vọng lớn mà các thành viên trong THT đều mong muốn và luôn phấn đấu để thực hiện.
QUỲNH NHIÊN