Trồng rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao
Trước tình trạng đất nông nghiệp đang giảm đi do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, TX.Thuận An đã tìm giải pháp nâng cao giá trị kinh tế trên đất canh tác bằng việc chú trọng vào sản xuất rau an toàn (RAT) vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa cho thu nhập cao để cải thiện cuộc sống.
Phù hợp với xu thế phát triển mới
Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi không chỉ ăn ngon, mà phải ăn “lành, sạch” hợp vệ sinh. Trong khi đó, cây rau lại chiếm tỷ trọng khá lớn trong thực đơn hàng ngày của người dân, xu hướng sử dụng RAT đã và đang là nhu cầu chính đáng, ngày càng tăng nhanh của người dân. Việc sản xuất RAT ngoài bảo đảm sản phẩm rau được an toàn, có chất lượng thì còn bảo đảm cho môi trường sống được trong lành, sức khỏe người tiêu dùng không bị thách thức. Mặt khác, Thuận An đang trên đà công nghiệp hóa và đô thị hóa, đất nông nghiệp đang ngày càng giảm dần thì việc sản xuất RAT và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất rau là một lựa chọn tối ưu, phù hợp với xu thế phát triển mới, đặc biệt là khi chúng ta đang hướng đến hội nhập quốc tế.
Anh Nguyễn Công Anh với vườn dưa leo được trồng theo quy trình sản xuất RAT
Để sản xuất được RAT theo đúng quy trình sản xuất, ngành nông nghiệp Thuận An đã chú trọng vào kỹ thuật trồng rau. Cụ thể, ngành đã phối hợp cùng với Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức mở các lớp tập huấn về biện pháp sản xuất RAT theo hướng VIET GAP cho bà con nông dân. Riêng phường Bình Chuẩn có diện tích sản xuất RAT lên đến 13,8 ha theo hướng GAP là địa phương dẫn đầu về sản xuất RAT của toàn thị xã. Toàn phường hiện có 80 hộ nông dân tham gia sản xuất RAT chủ yếu là bầu, bí, dưa leo, khổ qua, cà bắp và mướp hương; trong đó có 2 nhà vườn sản xuất RAT trong nhà lưới. Ông Phan Thành Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Chuẩn cho biết: “Mỗi năm, phường đều kết hợp với BVTV của tỉnh, huyện mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân, bình quân mỗi năm 14 tuần cho bà con và thường xuyên lấy mẫu các loại rau để phân trắc”. Ông Ngọc chia sẻ: “Trước tình hình công nghiệp hóa như hiện nay thì sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị công nghiệp. Nông dân đang quen dần với nền kinh tế thị trường, thay đổi cơ cấu cây trồng và từng bước lựa chọn cây trồng cho năng suất và chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường”.
Cho hiệu quả kinh tế cao
Đến nay, tại các khu vực triển khai sản xuất RAT đã cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội từ mô hình này. Chị Lê Thị Kim Phượng ở khu phố Đông, phường Vĩnh Phú cho biết, gia đình của chị có diện tích 3.000m2 trồng rau má theo quy RAT mỗi năm cho thu hoạch gần 100 triệu đồng. Hay như anh Nguyễn Công Anh ở phường Bình Chuẩn có diện tích 4.000m2, anh trồng luân phiên các loại rau như dưa leo, khổ qua, bầu, bí mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo nhận xét của anh Nguyễn Công Anh thì với cách thức sản xuất RAT như hiện nay không chỉ cho năng suất tăng cao hơn mà chất lượng còn bảo đảm an toàn hơn so với cách sản xuất rau trước kia. Ông Phan Thành Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Chuẩn cho biết thêm: “Khi trồng đối chứng rau cùng với diện tích 100m2, thì cho thấy diện tích trồng RAT theo đúng quy trình sản xuất thì cho năng suất cao gấp 3 lần so với cách sản xuất cổ truyền và mẫu mã của RAT cũng đẹp hơn, dư lượng thuốc BVTV bảo đảm, thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn, cách chăm bón ít tốn công lao động hơn. Ngoài ra, khi sản phẩm làm ra có giấy chứng nhận thương hiệu thì người tiêu dùng sẽ tín nhiệm hơn, đầu ra cho sản phẩm được dễ dàng hơn”.
Như vậy, sản xuất RAT đã có tác động rất lớn đến việc bảo vệ môi trường, hạn chế đáng kể sự ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm do việc dùng hóa chất bừa bãi, không đúng kỹ thuật so với canh tác trước đây. Ngoài ra, trồng RAT còn tăng được hệ số sử dụng đất, bằng việc bồi dưỡng đầu tư cải tạo nguồn đất, nguồn nước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại địa phương.
PHƯƠNG AN