Trồng lan cần lắm công phu
(BDO) Ông Lê Thành Trung (sinh năm 1951), ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một là một trong những người đi đầu trong nghề trồng và kinh doanh lan cắt cành tại địa phương. Ông còn là chủ trang trại tiêu biểu năm 2016 vừa được UBND tỉnh tuyên dương.
Ông Trung bên vườn lan Mokara cắt cành của mình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Từ niềm đam mê
Ông Trung sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Năm 1974, ông tham gia cách mạng, đóng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Đến năm 1980, khi trở về quê hương ông tiếp tục làm ruộng và phát triển nghề sơn mài truyền thống của gia đình. Ông vốn yêu thích hoa kiểng, nhất là các loài hoa lan từ nhỏ nên đi đâu thấy lan đẹp, kiểu dáng và màu sắc hoa lạ ông sưu tầm về treo trước nhà. Năm 2009, khi được địa phương giới thiệu ông đã tham gia lớp dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc sinh vật cảnh. Từ đây đã thôi thúc ông gắn bó hơn với cây lan.
Để phát triển vườn lan, ông Trung vay mượn gia đình 30 triệu đồng đầu tư xây dựng vườn và trồng 300 cây lan Mokara cắt cành trên diện tích vườn nhà. Ban đầu việc tiêu thụ lan khá chật vật, ông Trung đã đi chào hàng tại các shop hoa trong tỉnh. Có những thời điểm hoa lan không bán được đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của gia đình.
Không nản lòng, ông Trung tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoa lan. Sau đó ông và một số người bạn đi vận động những người trồng lan trên địa bàn tham gia câu lạc bộ trồng lan để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng phát triển lâu dài cho cây lan. Năm 2010, Câu lạc bộ trang trại hoa lan tỉnh Bình Dương ra đời với 28 hội viên; đến nay đã có gần 100 hội viên, chia thành 7 tổ rải đều trong toàn tỉnh. Năm 2012 câu lạc bộ đã ký được hợp đồng cung cấp 200.000 cành hoa lan với giá bình quân 6.000 đồng/cành cho Công ty Xuất nhập khẩu hoa lan Thanh Phong (TP.Hồ Chí Minh). Bài toán đầu ra cho hoa lan cơ bản đã được giải quyết, ông Trung và các thành viên trong câu lạc bộ an tâm đầu tư cho vườn lan của gia đình.
Luôn tìm tòi cái mới
Hiện ông Trung đang áp dụng mô hình tưới phun sương bán tự động cho vườn lan cắt cành. Hệ thống này giúp ông tiết kiệm 60% lượng nước tưới, 70% lượng điện tiêu thụ và 70% công lao động. Nhờ đó trung bình 1.000m2 trồng lan, mỗi năm ông tiết kiệm được 50 triệu đồng. Đến nay vườn lan của ông có diện tích hơn 2.000m2 với khoảng 8.000 cây lan Mokara các loại và một số giống lan rừng. Mỗi tuần ông cung cấp ra thị trường hơn 300 cành lan các loại. Ông còn cung cấp lan giống cho khách hàng với giá bán 35.000 đồng/ cây. Vườn lan đã mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sau hơn 7 năm gắn bó với cây lan, ông Trung nắm bắt khá tường tận từng loại bệnh thường gặp trên lan và cách phòng tránh. Thông thạo là vậy nhưng ông vẫn thường xuyên tìm tài liệu mới hướng dẫn kỹ thuật trồng lan để áp dụng vào vườn lan của gia đình. Một kinh nghiệm chăm sóc cây lan được ông chia sẻ, đó là treo túi đựng bột long não trên mỗi hàng của cây lan để xua đuổi côn trùng, hạn chế sâu bệnh. Kinh nghiệm này đã được ông áp dụng nhiều năm nay và rất hiệu quả. Nhiều người cũng đã áp dụng giải pháp này sau khi đến tham quan, học hỏi mô hình trồng lan của ông.
Theo ông Trung, nghề trồng lan đòi hỏi sự kiên trì, theo dõi từng ngày để nắm vững các biểu hiện của từng loại cây, nhất là cần chú ý yếu tố phân và nước cân đối để tránh làm khô hanh hoặc úng cây. “Nghề trồng lan quan trọng nhất là khâu chọn giống và xử lý môi trường. Để có vườn lan tốt, người trồng phải luôn giữ vườn lan sạch, hệ thống tưới tiêu đầy đủ và giăng lưới bao che bảo vệ. Mật độ trồng lan cũng không nên quá dày để lan có không gian thoáng đãng… Có như vậy vườn lan mới phát triển tốt, hoa lan đẹp và chất lượng”, ông Trung nói.
QUỲNH NHIÊN