Trong khó khăn, kinh tế Bình Dương vẫn tăng trưởng ấn tượng

Thứ sáu, ngày 19/11/2021

(BDO) Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh, dù phải chịu những tác động lớn do đại dịch Covid-19, nhưng đến nay Bình Dương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng, thu ngân sách vượt dự toán, kim ngạch vẫn tăng trưởng... Bình Dương đã và đang nỗ lực trước thách thức đặt ra trong giai đoạn “bình thường mới”. “Trong bối cảnh khó khăn, Bình Dương đã linh hoạt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt khống chế dịch bệnh Covid-19, vừa triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức”, ông Võ Văn Minh nói.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động Sản xuất tại Công ty GS (KCN VSIP 1, TP.Thuận An)

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, đến nay hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh được khôi phục theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 đạt được một số kết quả khả quan, có nhiều điểm sáng tích cực, đáng khích lệ trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Bình Dương đã đạt và vượt 22/23 chỉ tiêu đặt ra trong năm 2021. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79%. Cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 3,4%.

Báo cáo cũng ghi nhận thu ngân sách vượt dự toán, đạt 61.200 tỷ đồng, bằng 96% so với năm 2020, đạt 104% dự toán HĐND tỉnh thông qua. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,5%, vượt 1,5% so với kế hoạch. Thặng dư thương mại của tỉnh năm 2021 đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến 15-11 đạt hơn 2 tỷ đô la Mỹ, vượt 14,9% kế hoạch năm. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước 32.201 tỷ đồng, đạt 124% dự toán, cơ bản đã bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Đánh giá của lãnh đạo tỉnh cho rằng dù kinh tế không thể đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng vào năm bản lề của nhiệm kỳ mới, song đi qua đại dịch, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng vào sự chủ động, linh hoạt của tỉnh nhà. Bình Dương là một trong những địa phương có ca nhiễm Covid-19 nhiều nhưng tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, chống dịch hiệu quả, bảo đảm cung ứng, phân phối hàng hóa, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đẩy mạnh đầu tư

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh chỉ đạo các sở, ngành trong năm 2022, tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, duy trì trạng thái “bình thường mới” bảo đảm an toàn, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành tiếp tục có đề xuất các phương án phục hồi tăng trưởng kinh tế và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề để xây dựng Bình Dương xây dựng thành phố thông minh; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Điều đáng mừng là hiện nay, sau dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập cho người lao động. Tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp...; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía Nam theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ; phấn đấu cuối năm 2022 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ.

Ông Võ Văn Minh khẳng định trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ bố trí vốn ưu tiên cho lĩnh vực giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng, tạo quỹ đất sạch để chủ động trong công tác đầu tư công; thực hiện tốt công tác quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, tỉnh ưu tiên thứ tự công trình, dự án mang tính cấp thiết để rót vốn thực hiện trước (445 dự án); phân bổ vốn ngân sách (9.500 tỷ đồng) cho 9 huyện, thị, thành phố…

- Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Qua rà soát các nguồn vốn trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có khả năng cắt giảm, huy động vốn cho các dự án giao thông quan trọng của tỉnh, như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Mỹ Phước - Tân Vạn... ngay sau khi các dự án bảo đảm thủ tục đầu tư và đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.
-  Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương: Sở Công thương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao theo kế hoạch năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng 17% so cùng kỳ.

TIỂU MY

Từ khóa: