Trông chờ động thái mới

Thứ hai, ngày 24/08/2015

Từ đầu tháng 9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần có định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông và đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Phương án tối ưu của việc đổi mới phải lấy quyền lợi học sinh làm trung tâm.

Vừa qua, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” và đã được đánh giá là khá suôn sẻ. Tuy nhiên, đến khâu xét tuyển vào các trường đại học thì lại rất lộn xộn, đặc biệt là vào những ngày cuối cùng của đợt 1. Cụ thể, việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành cùng một trường và được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, đã tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Trong đợt 1 xét tuyển vừa qua đã có gần 43.000 thí sinh trong cả nước thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học có danh tiếng. Cả phụ huynh lẫn học sinh phải đi lại, nộp - rút hồ sơ, chờ chực gây nên sự tốn kém, phiền hà. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là đúng nhưng khi thực hiện có phần chủ quan. Việc phụ huynh hoang mang, ồ ạt đến các trường đại học rút hồ sơ dẫn đến tình trạng nháo nhào có phần lỗi của cả ba phía: Bộ GD-ĐT, các trường đại học và cả thí sinh.

Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp đưa ra.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào vấn đề, PGS-TS Nguyễn Phương Nga, Viện trưởng Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ: “Kỳ thi “2 trong 1” chỉ hiệu quả khi nó hội đủ các tiền đề cơ bản và quan trọng như ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn và đã được chuẩn hóa; không hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đại học; nhận thức chung của xã hội thay đổi về “vào đại học không phải là con đường duy nhất”. Thế nhưng, cả 3 điều kiện này ở nước ta chưa có, nên không thể thực hiện thành công kỳ thi “2 trong 1”.

Rút kinh nghiệm, trong đợt xét tuyển tiếp theo, Bộ GD-ĐT quy định sẽ không điều chỉnh đăng ký xét tuyển nguyện vọng, thí sinh đăng ký bằng phiếu lấy từ trên mạng, gửi về trường đại học qua các trường THPT nơi theo học hoặc Sở GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường đại học nhanh chóng công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu còn lại cho nguyện vọng 2. Ngay sau khi các trường xét tuyển xong đợt 2 sẽ công bố kết quả tuyển sinh, không chờ thời hạn 20 ngày như đợt 1.

Với việc rút kinh nghiệm, phụ huynh, học sinh và dư luận đang trông chờ động thái của Bộ GD-ĐT trong đợt xét tuyển tiếp theo.

NHẬT HUY