Trồng chanh giấy kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thứ bảy, ngày 15/07/2017

(BDO) Giữa lúc kinh tế gia đình gặp khó khăn do giá mủ cao su xuống thấp, ông Võ Văn Sáu (sinh năm 1959, ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên) đã mạnh dạn chuyển sang trồng chanh giấy. Chỉ một năm sau khi trồng, cây chanh giấy đã cho thu hoạch và hiện nay mang lại cho gia đình ông thu nhập vài triệu đồng mỗi ngày.

Lần đầu tiên trồng chanh

Ông Sáu cho biết nhà có đến 8 nhân khẩu nhưng chỉ có 1 ha đất trồng cao su. Thời điểm năm 2015, mủ cao su đang rớt giá, tình hình kinh tế của gia đình rất khó khăn đã khiến ông phải suy nghĩ tìm cây trồng khác để thay thế. Một lần nghe cô em gái của ông nói chanh ngoài chợ trái nhỏ nhỏ nhưng bán với giá rất cao, 30 ngàn đồng/kg. Ông vỗ đùi rồi nói giá cả như vậy “quá ngon”. Sau đó ông đi tham quan vườn chanh mới trồng của một người em rễ rồi về nhà bàn bạc với vợ con chặt cây cao su mới cạo 4 năm thì gia đình chấp nhận.

Với diện tích đất 1 ha ông trồng 450 gốc chanh giấy, cây giống mua ở Tân Uyên. Cây chanh là loại cây dễ trồng vì chúng không kén đất, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương. Ông nói thêm trồng cây chanh thì dễ hơn các loại cây khác như cam, quýt đường hoặc bưởi mình đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn. Theo ông trồng chanh quan trọng là ở khâu chăm sóc giai đoạn ra hoa, ra trái. Để cho trái chanh vừa có vị chua, vị thanh, đẹp mã, cho sai trái thì cần có một chế độ bón phân cân đối, hợp lý giữa phân hữu cơ và vô cơ.


Ông Võ Văn Sáu phấn khởi thu hoạch chanh

Về kỹ thuật trồng chăm sóc cây chanh ông chia sẻ do không có thời gian tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật do địa phương tổ chức nên ông chỉ xem các chương trình khuyến nông trên tivi rồi áp dụng theo. Ông cho biết nhờ sự cần cù chăm sóc tốt phân, tốt nước nên dù mới trồng được 2 năm nhưng đã làm nhiều người ngạc nhiên bởi cây chanh phát triển rất tốt, giống như người ta trồng 5 năm. Ông nói từ nhỏ tới giờ mới trồng chanh lần đầu tiên mà được như vậy nên rất vui mừng.

Chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao

Theo ông Sáu nếu chăm sóc kỹ phân nước đầy đủ thì sau khi trồng 1 năm cây chanh đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Vào cuối năm 2015, do cây còn nhỏ chưa có sức nên ông để cho cây ra trái tự nhiên với số lượng trái ít. Với giá cả lúc đó là 25 ngàn đồng/kg rồi rớt xuống thấp nhất là 15 ngàn đồng/kg, ông Sáu phấn khởi nói: “Giá này đem lại lời cao, rất ngon luôn”.

Cây chanh nếu để tự nhiên thì nó cho trái quanh năm nhưng không đồng đều giữa các cây làm cho người trồng tốn nhiều công chăm sóc mà thu nhập không được cao. Sau đợt thu hoạch mùa đầu tiên ông bắt đầu xử lí cho cây ra trái đồng loạt. Ông vui vẻ nói: “Lần đầu tiên xử lí ra trái mà nó cho trái bao la tui không ngờ, thấy tui chở chanh đem giao cho thương lái người ta không tin làm gì có chuyện 450 cây chanh mà ngày nào cũng hái 400kg - 500kg. Bây giờ chanh đang có giá 7 ngàn đồng là thấp nhưng một ngày thu về cũng hơn 2 triệu bạc, mỗi vụ chanh cho trái hái trong khoảng 3 tháng mới hết. So với cây cao su nó cao gấp khoảng 5 đến 7 lần cao su.”

Ông nói thêm chí phí chăm sóc cây chanh thấp, 1ha chỉ cần khoảng 30 triệu/năm với lại trồng chanh dễ nhưng gai góc nó xóc vào mình nên nhiều người chê, người trồng phải chịu khó mới gắn bó với nó được.

Bên cạnh đó, theo ông người trồng chanh phải tự tìm đầu ra nếu không có đầu ra ổn định là “chết” bởi trái chanh không chờ được thời gian bẻ, nó chín quá trái bị vàng bán không được thì bỏ hết công cán. Hiện tại, mỗi ngày ông cung cấp từ 400kg đến 500kg chanh cho các mối ở chợ Phú Hòa và thương lái ở Đồng Nai.

Ông Huỳnh Tấn Lợi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đất Cuốc cho biết: Mô hình trồng chanh mới thực hiện 2 năm, thực tế hiện nay chanh có giá từ 7 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng/kg thấp hơn những năm trước nhưng hiện tại giá trị kinh tế cao hơn cao su. Hội khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu ra được mở rộng hơn. Bên cạnh đó Hội cũng lưu ý người dân khi chuyển đổi cây trồng cần chủ động đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

AN THẠCH