Trọn đời vì sự nghiệp trồng người
Bao năm rồi? đã bao năm rồi hở? Thầy ơi…/ Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại/ Mái chèo đó là những viên phấn trắng/ Và thầy là người đưa đò cần mẫn/ Cho chúng con định hướng tương lai. Bất chợt đọc được những câu thơ trên, lòng tôi nghe xao xuyến về một thời áo trắng, về những kỷ niệm đẹp của tình thầy trò. Chính vì nghề dạy học là một nghề thanh cao luôn được xã hội quý trọng, nên nhiều người chọn nghề này làm cái nghiệp. Ở Bình Dương có một gia đình cả 5 anh em đều là nhà giáo, trong đó có 3 người là Nhà giáo ưu tú. Đó là các cô: Tô Thị Kịp, Tô Thị Trước (nguyên là giáo viên trường Tiểu học Lý Thường Kiệt), Tô Thị Nghĩa, giáo viên trường THCS Võ Trường Toản (TX.Dĩ An).
(BDO)
Cô Tô Thị Nghĩa (bìa trái) cùng các học sinh trong một kỳ thi học sinh giỏi Ảnh: A.SÁNG
Sau lần gặp cô Tô Thị Nghĩa vào năm 2008 khi cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, mới đây tôi có dịp gặp lại cô trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Trong suốt 2 ngày thi, cô luôn bên cạnh các học trò, giúp các em thêm tự tin trước cuộc thi trí tuệ này. Đây không phải là lần đầu, mà mỗi lần học trò đi thi học sinh giỏi, cô Nghĩa luôn đồng hành với các em. Thật hiếm có nhà giáo nào tận tâm đến vậy.
Là tổ trưởng tổ toán, hàng năm cô được nhà trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ sự nhiệt tâm của cô, nhiều năm học trò của cô đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, thị, tỉnh, có năm đạt giải cấp quốc gia. Riêng năm học này, cô có 9 học sinh đạt giải giải toán trên máy tính Casio TX.Dĩ An, trong đó có 3 em dự thi cấp tỉnh, hiện đang chờ kết quả. Bằng kinh nghiệm của người đi trước, cô Nghĩa còn hướng dẫn, dìu dắt các giáo viên trẻ thi giáo viên giỏi, viết đề tài nghiên cứu khoa học.
Ngoài cô Nghĩa, hai người chị Tô Thị Kịp và Tô Thị Trước, cũng là Nhà giáo ưu tú. Những năm tháng còn đứng trên bục giảng, hai cô luôn được phụ huynh tin yêu và mong muốn con mình được học lớp của các cô. Ngày ấy, có những học sinh vì nhà nghèo nên mặc cảm, lơ là học tập, các cô đã gần gũi, động viên các em cố gắng học. Tình thương yêu như mẹ hiền của cô đã giúp những học trò hư hỏng vươn lên trong học tập. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, dù đồng lương hưu không nhiều nhưng hai cô đã trích một phần tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo ở tổ, khu phố, tặng quà cho học sinh nghèo ở vùng xa. Công việc của các cô tuy âm thầm lặng lẽ nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xuất phát từ cái tâm trong sáng của nghề.
Đã chọn nghiệp làm thầy, những người gieo mầm tương lai, cả ba cô đều phấn đấu trở thành giáo viên giỏi và Nhà giáo ưu tú. Cô Nghĩa tâm sự, dạy học là nghề sáng tạo và là nghệ thuật. Người thầy tận tâm, ngoài kinh nghiệm cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy, kết hợp giữa phương pháp dạy truyền thống với hiện đại để cho tiết học thêm sinh động, thu hút học sinh ham mê học tập. Với cô, dù đã mấy mươi năm trong nghề nhưng cô vẫn thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ qua đồng nghiệp, qua internet.
Mười năm rèn luyện sách đèn/ Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy. Những câu thơ ngọt ngào ấy như nhắn gửi lời tri ân sâu sắc của học trò đối với thầy cô đã dạy dỗ các em nên người. Với các cô, có biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, có người tiếp tục nối nghiệp cô, người thì chọn nghề khác để lập nghiệp. Riêng với các cô, nếu có kiếp sau các cô vẫn chọn nghề giáo. Bởi đây là một nghề cao quý trong số những nghề cao quý luôn được xã hội tôn vinh, quý trọng.
A.SÁNG