Trở thành nữ doanh nhân thành đạt từ hai bàn tay trắng

Thứ tư, ngày 14/03/2012

Nhìn vẻ mặt khắc khổ và dáng người nhỏ bé của cô Nguyễn Thị Bảy, tưởng chừng như người phụ nữ này đã không thể vượt qua được những khó khăn cơ cực, sóng gió trong cuộc đời. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực, cô Bảy đã vượt khó vươn lên, trở thành một nữ doanh nhân thành đạt từ hai bàn tay trắng.  Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc đã tạo được việc làm cho nhiều phụ nữ nhàn rỗi bằng cách cho họ nhận hàng về làm gia công tại nhà

Từ cay đắng, nhọc nhằn...

Theo con đường nhỏ lởm chởm những viên đá xanh, chúng tôi tìm đến Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc (thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên) để gặp cô Nguyễn Thị Bảy, một nữ doanh nhân thành đạt. Tiếp chúng tại xưởng sản xuất, cô Bảy (hay còn gọi là cô Bảy Sang) đã kể cho chúng tôi nghe những thăng trầm của cuộc đời mình. “Tôi vốn là một giáo viên, nhưng ngày đó lương giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống nên tôi bỏ nghề. Để có tiền nuôi các con, tôi không nề hà một công việc nào. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ vất vả khuya sớm nhưng chồng thì không hề cảm thông với những nhọc nhằn của vợ mà đã rũ áo ra đi theo người khác, bỏ lại cho tôi 5 đứa con còn thơ dại. Lúc đó, tôi đau đớn tột cùng, đắng cay và vô vọng tưởng chừng không thể sống tiếp. Nhưng rồi nhìn đàn con cứ tròn xoe mắt nhìn mẹ, tôi đã nuốt nước mắt vào trong và tự nhủ mình phải mạnh mẽ lên, không được bỏ cuộc, phải làm, phải kiếm tiền để nuôi con dù khó khăn đến mấy”. Ánh mắt, nét mặt của cô Bảy Sang như buồn hơn khi kể cho chúng tôi nghe về “khoảng lặng” của đời mình!  Cô Bảy Sang giới thiệu sản phẩm của Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc

Vẫn cái giọng trầm buồn như chính cõi lòng của mình, cô Bảy Sang cho biết năm 1996, cô xin được việc làm tại Công ty RTM của người Pháp, chuyên sản xuất gốm, công việc là chạy hàng gia công. Trong thời gian làm công việc đưa sản phẩm của công ty sang Đồng Nai để đan gia công mây, tre, cói lên sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp và một số nước châu Âu, cô Bảy Sang đã học lén được nghề của những người thợ nơi đây. Năm 1998, cô được công ty cất nhắc lên làm quản đốc. Thấy tiếc những chiếc chậu bị lỗi không nhiều nhưng phải bỏ, cô bèn nghĩ ra cách đan mây, tre, cói để che đi khiếm khuyết của sản phẩm, trang trí cho sản phẩm đẹp hơn rồi đem bán. Mạnh dạn đề xuất ý kiến xin thành lập xưởng đan tại công ty, cô đã nhanh chóng nhận được sự đồng ý của vị giám đốc người Pháp.

Là người trực tiếp thu nhận người làm cũng như đào tạo tay nghề để gia công hàng cho công ty, cô Bảy Sang đã mời Hội Phụ nữ thị trấn Tân Phước Khánh (lúc đó vẫn còn là xã) và những phụ nữ không có công ăn việc làm để đào tạo tay nghề cho họ, giúp họ kiếm được tiền. Lúc đầu, tổ đan của cô chỉ có 20 người, sau đó tăng lên đến 100 người. Sản phẩm được làm ra đến đâu xuất khẩu hết đến đó, nhờ vậy mà công ty ngày càng phát triển và thu hút được nhiều công nhân đến làm việc. Nhận thấy chỗ ở đang là một nhu cầu lớn đối với công nhân từ nơi khác đến, năm 2000, cô Bảy quyết định vay ngân hàng cùng với số tiền ít ỏi dành dụm được sau bao năm lam lũ làm thuê, cô đã mua đất cất 100 căn phòng trọ cho công nhân thuê. Dường như từ đây cuộc sống của mấy mẹ con cô sẽ không còn phải chịu nhiều khổ cực nữa. Thế nhưng, ngay khi công ty thay đổi giám đốc, xưởng đan do cô thành lập bị giải thể. Mất việc làm, công nhân đành trả phòng cho cô để đi nơi khác mưu sinh. Hai dãy nhà trọ của cô Bảy lại trống không, trong khi nợ ngân hàng chưa trả được! Một lần nữa khó khăn lại đeo bám lấy cô. Nhưng bằng ý chí và nghị lực kiên cường của một người phụ nữ đã trải qua bao vất vả, sóng gió trong cuộc đời, cô Bảy quyết tìm cách để vượt lên số phận.

Trở thành nữ doanh nhân thành đạt

Không tin mình có tay nghề mà lại không có việc để kiếm ra tiền, cô Bảy tìm mua một số chậu sứ và nguyên liệu mây, tre, cói về đan trang trí. Sau đó đem hàng đến chào tại các Công ty gốm Hiệp Ký, La Thành và Thiên Thanh. Không phụ lòng người, năm 2001 cô Bảy Sang đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên của Công ty gốm Hiệp Ký với số lượng 100 bộ chậu đan cói, tiếp theo là 200 bộ từ Công ty Thiên Thanh. Cứ thế, số lượng đơn đặt hàng gửi đến cơ sở của cô ngày càng nhiều hơn. Năm 2002, cô Bảy Sang cho phá bớt một dãy nhà trọ để mở cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc, đồng thời tuyển dụng thêm công nhân. Cô trở thành nữ doanh nhân khi đã ở tuổi 53, cái tuổi sắp về hưu. Nếu năm 2003 cô Bảy Sang có trong tay số vốn chỉ 100 triệu đồng, thì một năm sau (năm 2004) cô đã có trong tay với số vốn trên 700 triệu đồng, cùng hàng trăm công nhân. Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc bắt đầu được các công ty đối tác biết đến ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của cô Bảy Sang xuất sang thị trường các nước Pháp, Mỹ và Nga từ 3.000 - 5.000 bộ chậu sec-men trắng đan cói, lục bình, dây lá buông. Doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ mọi chi phí, cô Bảy Sang còn lãi hơn 100 triệu đồng. Cô Bảy cho biết: “Nghề đan mây, tre dễ nhàm chán nhưng là một nghề có thể sống được. Người làm công việc này phải yêu nghề, ham học hỏi, cần cù chịu khó, siêng năng và phải có chút tâm hồn nghệ sĩ để tạo dáng, làm đẹp cho sản phẩm. Do vậy, công nhân của cơ sở chủ yếu là phụ nữ, người già và những người khuyết tật”. Cầm trên tay chiếc chậu gốm đã được trang trí bởi các nguyên liệu dân dã như mây, tre, cói... tôi càng khâm phục cô Bảy Sang. Phải kiên cường, giàu nghị lực lắm người phụ nữ này mới vượt lên trên tất cả những nỗi đau để thành công với nghề nói như cô là “dễ làm người ta nản lòng”!

Trong gian phòng tiếp khách của Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc, tôi còn nhìn thấy rất nhiều những tấm hình lưu niệm cô Bảy đã chụp ở Hà Nội. Trong hình, cô ngồi ở hàng ghế của Đoàn Chủ tịch trong buổi lễ đón nhận Huân chương Sao vàng của Đại hội thi đua yêu nước “Tuổi cao, gương sáng” toàn quốc lần thứ III-2010; cô đứng cạnh những vị lãnh đạo Nhà nước... Trong hình, khuôn mặt khắc khổ nhưng rắn rỏi của cô rạng ngời niềm vui, niềm hạnh phúc.

Người giàu lòng nhân ái

Không chỉ là một phụ nữ giàu nghị lực, cô Bảy Sang còn là một người mẹ, một nữ doanh nhân giàu lòng nhân ái. Khi người chồng rũ áo ra đi theo người đàn bà khác, ngoài những đứa con chung, chồng cô còn để lại cho cô thêm một người con riêng của ông với người vợ trước đã mất. Giận chồng, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng cô vẫn chăm sóc, nuôi nấng và lo lắng chu đáo cho con, không hề phân biệt con chung, con riêng. Sau này, cô còn gả chồng và xây dựng nhà cửa cho con riêng của chồng. Hiện chị Lan (người con riêng của chồng cô) luôn coi cô là mẹ và đang là trợ thủ đắc lực giúp cô trông coi công việc tại cơ sở. Đối với công nhân, cô Bảy quan tâm thăm hỏi, lo lắng cho họ những lúc đau ốm như chính người thân trong gia đình. Cô Dương Tiêu Hà, 57 tuổi, quê An Giang, là người gắn bó với cơ sở từ ngày thành lập cho biết: “Chị Bảy đối xử với chúng tôi như chị em trong nhà. Khi tôi cưới gả cho con, chị Bảy đưa cả gia đình và chị em công nhân xuống dự. Chị rất quan tâm đến đời sống của chúng tôi”.

Tham gia vào Câu lạc bộ Nữ doanh nhân năm 2008, hiện cô Bảy Sang là Trưởng ban Từ thiện của Câu lạc bộ Nữ doanh nhân. “Năm rồi, chị em trong hội đã chung tay góp sức xây được 2 căn nhà từ thiện và 2 cây cầu ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Năm nay, hội dự kiến sẽ tiếp tục cất 20 căn nhà tình nghĩa và 2 cây cầu, trị giá mỗi cây cầu là 80 triệu đồng”, cô Bảy Sang nói. Đưa tôi vào thăm căn nhà cô đang ở, cho tôi xem những tấm hình về người con gái út, trong niềm hạnh phúc của người mẹ, cô Bảy khoe thành tích học tập của con: “Con gái út của cô vừa mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Úc. Hôm rồi gia đình cô đã tổ chức lễ cưới cho nó”. Chia sẻ với chúng tôi, cô Bảy bộc bạch: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô bây giờ là được nhìn thấy các con trưởng thành, yên bề gia thất. Người con trai út của cô cũng vừa tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị. Nên trong khoảng 3 năm tới cô vẫn sẽ cố gắng làm tốt công việc kinh doanh của mình, sau đó sẽ giao lại cho cậu út tiếp quản”.

Trên suốt đoạn đường về, tôi thầm nghĩ cô Bảy thật xứng đáng là một tấm gương sáng để cho những lớp người như chúng tôi học tập, noi theo.

Cô Nguyễn Thị Bảy còn được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Tân Phước Khánh, Hội Nữ doanh nhân Bình Dương... tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương và Hội Người cao tuổi Trung ương khen tặng danh hiệu làm kinh tế giỏi năm 2003; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là người đã có thành tích đóng góp vào sự xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và phong trào phụ nữ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008-2010...

PHƯƠNG AN