Trở thành nghệ nhân nhờ đam mê cá cảnh
(BDO) Với mô hình sản xuất và kinh doanh cá cảnh, anh Nguyễn Trọng Dương, Phó Chủ tịch Hội cá cảnh tỉnh, chủ cửa hàng cá cảnh Đồng Thị (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An) được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân thuộc ngành nghề nuôi cá cảnh.
Anh Nguyễn Trọng Dương đã trở thành nghệ nhân nhờ đam mê cá cảnh
Bén duyên với nghề
Anh Nguyễn Trọng Dương đã bén duyên với nghề nuôi cá cảnh cách nay hơn 20 năm. Nói về cơ duyên, anh Dương chia sẻ sau nhiều năm bôn ba làm kinh tế nhưng thất bại, năm 2002 anh quay về tiếp bước theo nghề của cha (nghề nuôi cá cảnh) để mưu sinh. Anh Dương cho biết: “Khi mới chuyển sang nuôi cá, tôi phải cố gắng học tập qua sách, báo và tham gia các đợt đào tạo ngắn hạn của các trường chuyên về thủy sản. Ngoài ra, tôi còn đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những anh em có chung niềm đam mê cá cảnh trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó mà vốn kiến thức về cá cảnh của tôi ngày càng nhiều hơn và việc sản xuất, kinh doanh cá cũng đạt hiệu quả cao hơn”.
Qua tìm hiểu và học hỏi từ những người đi trước, anh Dương biết được loài cá dĩa Nam Mỹ có nhiều chủng loại và là loài cá có tiềm năng cao, dễ nhân giống, lai tạo và được thị trường ưa chuộng. Ban đầu, anh Dương chỉ mua cá con về nuôi, khi đủ lớn thì bán. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, anh phát hiện và nghiên cứu lai tạo ra nhiều loại giống và ươm cá con cung cấp cho thị trường cá cảnh.
Hiện nay, anh Dương đã có hồ nuôi cá cảnh diện tích 1.000m2 tại đường Bình Nhâm 07, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An. Trang trại nuôi cá cảnh của anh Dương hiện có hơn 100 loại cá. Bên cạnh các loại cá trao đổi, nhập khẩu, anh còn tự nghiên cứu lai tạo một số loại cá. Doanh thu trung bình hàng năm của gia đình anh khoảng trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn hợp tác với nhiều hộ nuôi, ươm cá ở trong và ngoài tỉnh để cung cấp cá cảnh ra thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình xuất khẩu cá cảnh bị giảm, ảnh hưởng đến doanh thu.
Mô hình sản xuất và kinh doanh cá cảnh của anh Nguyễn Trọng Dương
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
“Người mới nuôi cá cảnh chưa có kinh nghiệm mà vội vàng nuôi nhiều thì chắc chắn sẽ thất bại. Muốn trở thành người làm kinh tế bằng nuôi cá cảnh, người nuôi phải học và trở thành một nghệ nhân trước. Bởi nghệ nhân sẽ có những đánh giá chuẩn xác về một con cá đẹp, biết cách chăm sóc cho cá và có niềm đam mê thì mới thành công”, anh Dương bộc bạch.
Nghề nuôi cá cảnh đang góp phần giúp nhiều người dân Bình Dương ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, để có thể “trụ” với nghề giữa sự cạnh tranh như hiện nay, người nuôi cá cảnh cần tích cực học hỏi kinh nghiệm, tự lai tạo những giống cá đẹp, độc đáo mang thương hiệu riêng.
Từ những thăng trầm đã vượt qua, anh Dương thầm nghĩ “không nên ích kỷ làm giàu cho chính mình, mà phải thể hiện được trách nhiệm với xã hội”. Vì vậy, anh đã giúp đỡ cho các hội viên trong hội kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân tỉnh tập huấn nuôi cá cảnh cho người dân. Ngoài ra, anh Dương cũng đang nghiên cứu thêm về loài cá dĩa với mong muốn vừa giảm giá thành, vừa phòng dịch bệnh cho cá hiệu quả, qua đó tăng lợi nhuận cho người nuôi cá cảnh.
Với những nỗ lực của mình, anh Trọng Dương được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân thuộc ngành nghề nuôi cá cảnh. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, anh Dương cũng đã nhận được nhiều bằng khen, bằng vinh danh và giấy khen của các cấp trong và ngoài tỉnh. Hiện anh đang được đề xuất làm hồ sơ đề nghị công nhận là nghệ nhân thuộc ngành nghề nuôi cá cảnh cấp Trung ương.
Thoại Phương - Hải Dương